Trong những ngày tới, Apple và Google sẽ trình làng thế hệ điện thoại thông minh mới nhất của họ với những cải tiến đáng kể. Nhưng một trong những thay đổi quan trọng nhất đã không được người dùng chú ý: Một phần các sản phẩm này sẽ không còn được sản xuất tại Trung Quốc nữa.
Một phần rất nhỏ trong số những chiếc iPhone mới nhất của Apple sẽ được sản xuất ở Ấn Độ và một phần của việc sản xuất điện thoại Pixel mới nhất của Google sẽ được thực hiện tại Việt Nam, theo New York Times.
Sự thay đổi này là một phản ứng trước những lo ngại ngày càng tăng về căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra liên quan đến Trung Quốc trong vài năm qua. Trung Quốc từ lâu đã là công xưởng của thế giới về thiết bị điện tử công nghệ cao với khả năng đảm bảo lực lượng lao động có tay nghề cao và năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu liên tục của người dùng.
Tuy nhiên, các công ty Mỹ đang nhìn thấy nhiều rủi ro hơn, một viễn cảnh được tạo ra trong cuộc chiến thương mại từ thời cựu Tổng thống Trump, với các mức thuế ăn miếng trả miếng. Tình hình càng leo thang hơn khi Trung Quốc bắt đầu đáp trả mạnh mẽ chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên không chỉ mảng sản xuất smartphone đang dần dịch chuyển khỏi đất nước tỷ dân này, hồi tháng 6, một phần dây chuyền sản xuất dòng máy tính bảng iPad và AirPods Pro thế hệ 2 đã được Apple dời từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong năm nay, Microsoft cũng chuyển việc gia công thế hệ máy chơi game Xbox sang khu công nghiệp tại TP.HCM.
Thiết bị Fire TV của Amazon cũng được chuyển sang gia công ở Chennai, Ấn Độ. Vài năm trước, tất cả sản phẩm này đều được sản xuất tại Trung Quốc.
“Đế chế sản xuất ở Trung Quốc đang bị lung lay,” Lior Susan, người sáng lập Eclipse Venture Capital, công ty đầu tư vào phần cứng và các công ty khởi nghiệp sản xuất, cho biết. “Ngày càng nhiều doanh nghiệp sẽ kéo ngành sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tìm giải pháp thay thế.”
Anna-Katrina Shedletsky, người sáng lập Instrumental, một công ty ở Bay Area chuyên giám sát từ xa dây chuyền lắp ráp cho các công ty điện tử, cho biết: “Mọi doanh nghiệp đều nghĩ đến việc di chuyển chuỗi cung ứng, ngay cả khi họ chưa hành động."
Đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19 vào đầu năm 2020 đã khiến các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa. Việc này đã tác động đến kế hoạch bán hàng của nhiều công ty, bao gồm cả Apple khi công ty này đã phải cắt giảm dự báo doanh số hàng quý vì không thể sản xuất iPhone.
Theo 3 cựu nhân viên yêu cầu giấu tên tiết lộ với New York Times, sự cố này đã khiến Apple bắt đầu nghiêm túc xem xét các địa điểm sản xuất thay thế để phòng tránh việc việc Trung Quốc tiếp tục phong tỏa trong tương lai.
Ảnh; The New York Times |
Cũng theo nguồn tin này, Việt Nam - nơi Apple đã chuẩn bị cho việc sản xuất AirPods vào năm 2020 - trở thành một lựa chọn được nhắc đến nhiều nhất. Kể từ năm 2020 đến nay, nhiều công ty trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam. Trong danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu gần đây của Táo khuyết, có tới 20 nhà máy đặt tại Việt Nam, so với 155 các công ty vận hành nhà máy ở Trung Quốc.
Không chỉ Việt Nam, Apple cũng có kế hoạch lần đầu tiên lắp ráp và đóng gói một phần nhỏ iPhone 14, thế hệ điện thoại tiếp theo của hãng tại Ấn Độ. Nguồn tin của New York Times hé lộ mặc dù hầu hết dây chuyền sản xuất quan trọng nhất cho iPhone 14 vẫn nằm ở Trung Quốc, hãng đã chuyển một phần sang Ấn Độ nhằm đánh giá khả năng sản xuất trong tương lai.
Ngay cả khi Apple đẩy mạnh các kế hoạch, công ty vẫn cẩn thận để không gây xung đột với Trung Quốc vì phần lớn các sản phẩm của họ vẫn được sản xuất ở đó. Khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan trong chuyến thăm của bà Pelosi, Apple đã nhắc nhở các nhà cung cấp Đài Loan của họ dán nhãn các linh kiện dành cho Trung Quốc là được sản xuất tại “Đài Bắc Trung Hoa” hoặc “Đài Loan, Trung Quốc”, theo báo cáo trên tờ Nikkei của Nhật Bản.
Foxconn, nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của Apple, gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá 300 triệu USD để mở rộng hoạt động sản xuất ở miền Bắc Việt Nam với một nhà máy mới sẽ tạo ra 30.000 việc làm.
Tại các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ở miền Bắc Việt Nam, Foxconn và các nhà sản xuất theo hợp đồng khác vận hành các nhà máy lớn ở vùng nông thôn từng là ruộng lúa và đất nông nghiệp. Giờ đây, người lao động từ khắp nơi đổ về các cơ sở này để tìm kiếm việc làm.
Một bảng quảng cáo bên ngoài nhà máy Foxconn ở Bắc Ninh quảng cáo rằng công ty đang cần tuyển gấp 5.000 công nhân với mức lương khoảng 300 USD hàng tháng cho một vị trí. Mức lương này chưa bằng một nửa số tiền hàng tháng - 4.500 nhân dân tệ, tương đương khoảng 650 USD - mà Foxconn đang cung cấp cho các nhân viên mới tại các dây chuyền lắp ráp của mình ở Thâm Quyến, đông nam Trung Quốc.
Sự chênh lệch về lương nhấn mạnh một lý do khác khiến các công ty đang tìm kiếm các phương án sản xuất mới. Trong thập kỷ qua, công nhân sản xuất ở Trung Quốc đã tăng gấp ba lần thu nhập hàng năm lên hơn 9.300 USD, theo Cục Thống kê của nước này.
Thuế quan cũng làm tăng chi phí sản xuất ở Trung Quốc. Vào năm 2019, Tổng thống Donald J. Trump đã đánh thuế 15% đối với các sản phẩm công nghệ như loa thông minh, đồng hồ thông minh và tai nghe không dây được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Khi cuộc chiến thuế quan ngày càng gay gắt, Google đã xem xét các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Năm nay, Google có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ các cơ sở của Foxconn ở miền nam Trung Quốc sang Việt Nam, nơi họ sẽ bắt đầu lắp ráp mẫu điện thoại mới nhất của mình - Pixel 7. Công ty hy vọng Việt Nam sẽ cung cấp tới một nửa số điện thoại Pixel cao cấp trong năm tới.
Mehdi Hosseini, nhà phân tích tài chính tại Susquehanna International Group, người tập trung vào chuỗi cung ứng công nghệ, nhận định: “Các doanh nghiệp còn một chặng đường dài phía trước để đa dạng hóa toàn bộ chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc".
Ưu tiên cho lựa chọn thay thế Trung Quốc chính là sự gần gũi về mặt địa lý. Đây cũng là lý do vì sao sự quan tâm đặc biệt từ Foxconn và các công ty chuyên sản xuất đã khiến giá đất công nghiệp ở Việt Nam tăng đột biến kể từ năm 2019 lên mức 105 USD/m2, trong khi chi phí kho bãi cũng tăng 20%, theo Cushman & Wakefield - một công ty bất động sản thương mại toàn cầu.
Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman tại Việt Nam, cho biết cách đây 5 năm, cứ cách tháng một lần, cô lại cho khách hàng xem đất công nghiệp. Giờ đây, cô đi hàng ngày với các khách hàng từ Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Trung Quốc để xem bất động sản cho các nhà máy.
Trang Bùi chia sẻ: “Nếu bạn đến Việt Nam, tất cả những gì bạn thấy là năng lượng. Đối với một người ngoài chưa đến thăm đất nước này, họ có thể bị sốc một chút."
Theo New York Times