Theo trang tin Guancha ngày 24/5, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia sáng Chủ nhật 25/4 thông báo, tính đến sáng sớm cùng ngày, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 3 trường hợp bị bệnh mới được xác nhận, bao gồm các trường hợp bệnh nhân nhập cảnh Thượng Hải, Quảng Đông và 1 trường hợp bản địa phương ở Cát Lâm, không có trường hợp tử vong mới. Ngoài ra còn có thêm 36 trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. Hiện nay, Trung Quốc đang có 79 bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị và 8 trong số đó là những trường hợp bị bệnh nặng; đang cách ly theo dõi y tế 5.154 người. Tính đến 0h00 ngày Chủ nhật (24/5), Trung Quốc có tổng cộng 82.974 trường hợp bị bệnh được xác nhận và 4.634 trường hợp tử vong trên toàn quốc.
Đường phố Cát Lâm vắng vẻ, các cửa hàng bị đóng cửa (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Ủy ban Y tế và Sức khỏe Thượng Hải cùng ngày 24/5 thông báo rằng bệnh nhân mới được chẩn đoán đều là người Trung Quốc. Người này đã học ở Mỹ và rời Mỹ hôm thứ Hai tuần trước (18/5) và chuyển máy bay ở Đức, về đến Sân bay Quốc tế Phố Đông vào Thứ Tư tuần trước (20/5). Sau khi nhập cảnh được cách ly tập trung, phát bệnh trong thời gian cách ly, được xác nhận sau khi xét nghiệm axit nucleic. Hiện tại, bệnh nhân đã được đưa đến một cơ sở y tế được chỉ định để điều trị. Cơ quan Phòng chống dịch bệnh đã truy tìm 25 người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân trong chuyến bay, tất cả đều đã được tập trung và cách ly để theo dõi.
Theo trang tin Dongfang, ông Chung Nam Sơn nói rằng tình hình dịch bệnh hiện nay ở trong và ngoài nước rất khác nhau. Trung Quốc đã có những biện pháp quyết đoán và đã bước vào giai đoạn thứ hai của dịch, trong khi một số nước lớn khác vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch, nên đeo khẩu trang vẫn là một biện pháp tự bảo vệ quan trọng. Hiện vẫn còn quá sớm để đề nghị tháo bỏ khẩu trang. Tuy nhiên, ông cho rằng ở những khu vực dịch bệnh không nghiêm trọng, những nơi dân cư thưa thớt hoặc những nơi không gian rộng lớn thì không nhất thiết phải đeo.
Viện sĩ Chung Nam Sơn: bây giờ chưa là lúc tháo bỏ khẩu trang (Ảnh: Dongfang).
|
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài trước đó, Viện sĩ Chung Nam Sơn cũng cảnh báo rằng Trung Quốc vẫn đang đối mặt với thách thức của làn sóng dịch bệnh thứ hai. Tình hình chống dịch không lạc quan hơn một số khu vực nước ngoài khác, vì vậy không nên tự mãn; đồng thời tất cả các chính quyền địa phương cần báo cáo một cách trung thực số liệu dịch bệnh. Ông cũng đề cập rằng hầu hết người Trung Quốc vẫn là quần thể dễ bị nhiễm virus corona mới vì họ chưa có khả năng miễn dịch đầy đủ.
Hiện nay tỉnh Cát Lâm 27 triệu dân đang là một địa phương “nóng” về dịch. Theo Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh, tính đến 24h ngày 23/5. Toàn tỉnh có 19 ca bệnh ngoại nhập, 307 người tiếp xúc gần gũi với các bệnh nhân, tất cả đều đã được xuất viện và bãi bỏ cách ly theo dõi.
Một khu dân cư ở Cát Lâm bị phong tỏa (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Trong khi đó, toàn tỉnh phát hiện 136 ca bệnh lây truyền tại bản địa; đã chữa khỏi xuất viện 109, hiện đang điều trị 25 người, 2 người tử vong. Hiện vẫn có 1.461 người tiếp xúc gần gũi với các bệnh nhân đang được cách ly tập trung để theo dõi y tế.
Ngoài ra, cả tỉnh còn phát hiện 10 ca bệnh không có triệu chứng (6 người ngoại nhập), 4 người đã chuyển thành bệnh nhân có triệu chứng, 5 người đã bỏ cách ly, 1 đang được theo dõi.
Về ca bệnh được phát hiện hôm 23/5, người này là phụ nữ sinh 1988, đã có tiền sử tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân ở quận Phong Hóa được thông báo bị bệnh hôm 22/5. Người này được phát hiện sau khi xét nghiệm axit nucleic, được các chuyên gia hội chẩn xác nhận bị bệnh ngày 23/5.
Lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic cho dân chúng ở Cat Lâm (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Tuy trong tỉnh mới có các vụ dịch quy mô nhỏ ở các thành phố Thư Lan và Cát Lâm, nhưng chính quyền đã quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh bùng phát quy mô lớn. Hàng chục ngàn người đã được xét nghiệm và hàng ngàn người bị cách ly. Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ý không hài lòng về sự xuất hiện các vụ dịch, 5 quan chức địa phương đã bị bãi chức do để dịch bùng phát trở lại.
Quân đội được huy động tham gia khử trùng các khu dân cư (Ảnh: VCG).
|
Theo trang tin Đa Chiều, từ ngày 20/5, thành phố Cát Lâm thuộc tỉnh Cát Lâm thực hiện cưỡng chế phong tỏa chống dịch. Trước đó,thành phố Thư Lan cũng bị phong tỏa từ ngày 18/5. Các chợ búa, trung tâm thương mại bị đóng cửa ngừng kinh doanh. Các cơ sở sản xuất bị phong tỏa, nhà máy đóng cửa, đường phố không bóng người; cư dân trong các cộng đồng dân cư chỉ được phép mỗi ngày (có nơi 2 ngày) cử một người ra ngoài một lần để mua nhu yếu phẩm, mỗi lần không quá 2 giờ.
Các biện pháp cách ly nghiêm ngặt đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200 ngàn cư dân. Tuy nhiên, một lãnh đạo thành phố Thư Lan nói: “Chúng tôi thực hiện nghiêm, cái gì đáng quản phải quản, nơi nào đáng cách ly nhất định cách ly”. Thư Lan thực hiện đóng cửa triệt để các tiểu khu được xác định là vùng dịch nghiêm trọng, không cho phép bất cứ ai ra ngoài; hàng hóa tiêu dùng được nhân viên phòng dịch phối hợp với các siêu thị chuyển đến từng nhà theo nhu cầu đăng ký trước một ngày.
Nhân viên chống dịch kiểm tra hàng hóa các gia đình đặt mua để chuyển cho các hộ đang bị phong tỏa (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Ngoài Cát Lâm, các tỉnh Hắc Long Giang và thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh hiện cũng bị coi là vùng đang trong tình trạng “nóng” về dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc.