Chuyện gì đã xảy ra với Nokia? Sự thăng trầm của một gã khổng lồ công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nokia được người dùng biết đền nhờ những chiếc điện thoại bền bỉ và dễ sử dụng, một thời kỳ trở thành thiết bị ưa thích của người dùng trên khắp thế giới.

Chuyện gì đã xảy ra với Nokia? Sự thăng trầm của một gã khổng lồ công nghệ (Ảnh: Slash Gear)
Chuyện gì đã xảy ra với Nokia? Sự thăng trầm của một gã khổng lồ công nghệ (Ảnh: Slash Gear)

Vào thập niên 2000, hầu như mọi người đều sở hữu một chiếc điện thoại Nokia. Theo BBC, thị phần của Nokia vào năm 2007 là rất lớn, chiếm 49,4% điện thoại di động toàn cầu. Mặc dù trong những năm tiếp theo, Nokia tiếp tục mất thị phần, nhưng vẫn duy trì vị trí hàng đầu trong hơn một thập kỷ trước khi lụi tàn.

Quay trở lại thời điểm năm 2013, công ty chỉ còn chiếm dưới 3% tổng thị phần trên thị trường điện thoại di động. Với sự tăng trưởng nhanh chóng trong khoảng thời gian đầu và từng là ông vua trong ngành, đâu là lý do khiến cho Nokia tuột dốc không phanh như vậy?

Giống như hầu hết các câu chuyện về sự thất bại của các doanh nghiệp lớn, có lẽ điều này không phải là kết quả của một chiến lược tồi tệ mà là sự kết hợp của các tình huống và quyết định không tốt. Tuy nhiên, Nokia không hẳn là đã sụp đổ hoàn toàn, công ty hiện vẫn đang hoạt động ở thời điểm hiện tại.

Nokia có khởi đầu khiêm tốn

Nokia 1.png
Nokia có khởi đầu khiêm tốn (Ảnh: Slash Gear)

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Nokia ban đầu không phải là một công ty công nghệ. Được thành lập vào năm 1865 tại Phần Lan, Nokia bắt đầu khởi nghiệp là một nhà máy giấy. Được đặt theo tên của thị trấn nơi công ty đặt trụ sở, Nokia hợp tác với các công ty địa phương, như Finnish Cable Works, trong quá trình mở rộng hoạt động của mình.

Sau đó, Nokia sáp nhập với Finnish Cable Works và Finnish Rubber Works để hình thành Tập đoàn Nokia. Đến những năm 1970, công ty đã dần có chỗ đứng trong ngành điện tử. Mặc dù vẫn giữ lại các ngành kinh doanh khác, công ty chủ yếu được biết đến với những chiếc điện thoại di động.

Nokia bắt đầu hành trình của mình trên thị trường điện thoại di động vào những năm 1980. Công ty đã mua lại Salora, Mobira và phân khúc hệ thống thông tin của Ericsson. Công ty đã nhanh chóng bước vào việc sản xuất điện thoại di động đầu tiên của mình. Sản phẩm đầu tiên là chiếc điện thoại trên ô tô Mobria Senator năm 1982 - thiết bị tạo ảnh hưởng đến thiết kế của những chiếc điện thoại mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Những năm đầu thế kỷ 21 là thời kỳ hoàng kim của Nokia

Nokia 2.png
Những năm đầu thế kỷ 21 là thời kỳ hoàng kim của Nokia (Ảnh: Slash Gear)

Những năm đầu thế kỷ 21 có thể coi là thời kỳ hoàng kim của công ty, với các điện thoại di động bán chạy nhất của họ, Nokia 1100 và Nokia 1110, được ra mắt lần lượt vào năm 2002 và 2005. Thành công này đã giúp công ty đạt được năm có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử, với doanh thu đạt 51 tỷ USD vào năm 2007, theo thống kê từ Statista.

Năm 2007 cũng là năm chiếc iPhone đầu tiên được cho ra mắt, một công nghệ mới và đang nổi lên vào thời điểm đó. Thật không may, Nokia đã không lường trước được việc chính những chiếc iPhone sẽ làm cho công ty của họ suy thoái.

Nokia tiếp tục thành công này đến năm 2010, với hơn 30% thị phần trên toàn ngành điện thoại di động. Tuy nhiên, mọi thứ đã dừng lại đột ngột chỉ trong vài tháng ngắn ngủi khi các đối thủ như Samsung, HTC và Apple bắt đầu thống trị ngành công nghiệp. Đến tháng 4 năm 2012, Samsung đã đánh chiếm ngôi vị đầu bảng từ Nokia. Mặc dù Nokia đã cố gắng phát triển một số sản phẩm điện thoại đột phá khác, nhưng cuối cùng họ cũng đã rút khỏi ngành công nghiệp điện thoại di động.

Nokia và sự bảo thủ

Nokia 3.png
Chính sự bảo thủ đã khiến Nokia mất dần thị trường vào tay Apple và Samsung (Ảnh: Slash Gear)

Có một loạt các lý do khiến Nokia bắt đầu mất đi lòng tin từ người tiêu dùng, nhưng có lẽ lý do lớn nhất liên quan đến chính các dòng điện thoại của họ. Trong khi công ty đã thống trị ngành điện thoại di động trong hơn một thập kỷ, nhưng họ không thống trị được ngành điện thoại thông minh, ngành đang mới nổi với sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty như Apple, Motorola, Samsung và Huawei. Người tiêu dùng đã sẵn sàng trả giá cho một thiết bị đắt hơn một chút nhưng có trải nghiệm người dùng tốt và hỗ trợ ứng dụng tốt hơn.

Các điện thoại Nokia chạy trên hệ điều hành Symbian, một hệ điều hành được người dùng đánh giá là không đủ tốt và lỗi thời. Trong một bức thư nội bộ rò rỉ từ năm 2011, CEO thời điểm đó của Nokia, Stephen Elop, than thở rằng công ty vẫn chưa có sản phẩm nào đem đến cho người dùng trải nghiệm tốt như iPhone. Mặc dù vài năm loay hoay trong việc phát triển sản phẩm không làm cho Nokia rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng khoảng thời gian ngắn đó đã khiến cho các mẫu flagship của Nokia trở nên lỗi thời.

Nokia bắt đầu thích nghi quá muộn

Nokia 4.png
Nokia bắt đầu thích nghi quá muộn (Ảnh: Slash Gear)

Sự thức tỉnh của Nokia là quá muộn màng. Thay vì tạo ra các thiết bị tương thích với hệ điều hành Android mới và phổ biến, Nokia đã chọn hợp tác với Microsoft và phát triển hệ điều hành Windows Phone 7 vào năm 2011. Nhìn lại, điều này đã gây thảm họa cho công ty, khi Nokia liên tiếp báo lỗ.

Mặc dù công ty tiếp tục gặp khó khăn do cạnh tranh gia tăng trong lĩnh vực này, một số mẫu điện thoại của họ, như một số mẫu Lumia, thực tế có đôi chút sức cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này là quá ít và quá muộn màng. Vào tháng 9 năm 2013, Nokia chính thức bán mảng điện thoại di động và thiết bị cho Microsoft.

Microsoft cũng không thể giúp Nokia quay lại thời kỳ hoàng kim. Sau những thất bại liên tiếp, Microsoft đã phải nhượng lại mảng điện thoại di động của Nokia cho một công ty do các cựu nhân viên Nokia thành lập có tên là HMD Global. Những chiếc điện thoại Nokia ngày nay được sản xuất bởi công ty con của Foxconn là FIH Mobile.

Tương lai của Nokia

Nokia đang tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mới. Cùng với việc tái định hướng thương hiệu, gần đây, công ty đã tập trung vào lĩnh vực viễn thông và số hóa doanh nghiệp, trong khi HMD Global vẫn tiếp tục bán điện thoại dưới thương hiệu Nokia. Mặc dù sự thất bại của mảng điện thoại di động là một cú ngã đau đớn của Nokia, nhưng công ty hiện vẫn đang duy trì sự tồn tại bằng những mảng kinh doanh khác.

Ngoài việc ký kết thỏa thuận cấp phép với HMD Global, công ty cũng đã mua lại Alcatel-Lucent và Bell Labs để làm việc trên các công nghệ tiên tiến và tiếp tục là một người cấp phép bằng sáng chế quan trọng cho các nhà cung cấp điện thoại di động khắp thế giới. Công ty vẫn có dòng điện thoại di động giá rẻ và cao cấp hơn cũng như một dòng máy tính bảng giá cả phải chăng hiện đang được bán trên thị trường.

Cuối cùng, mặc dù Nokia thất bại thảm hại sau khi giữ vị trí hàng đầu trên thị trường điện thoại di động, nhưng nhìn chung công ty đã chọn cách “buông bỏ” đúng thời điểm. Trên thực tế, Microsoft mới là người thất thu trong thỏa thuận và phải gánh chịu những hậu quả đến từ những thất bại của Nokia. Nokia hiện đang trên đà phát triển trở lại, ghi nhận lợi nhuận gộp hàng năm lên tới con số hàng tỷ USD kể từ năm 2021.

Theo Slash Gear