Doanh nghiệp số - không có sự lựa chọn khác
Ngày nay doanh nghiệp thời đại số 4.0 trong mô hình làm việc từ xa không thể vận hành tốt bộ máy nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, của chuyển đổi số. Trong đó, phần mềm quản lý công việc là các ứng dụng, công cụ không thể thiếu cho công tác quản trị – điều hành của lãnh đạo, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trả lời VietTimes, ông Hoàng Tuấn Anh – cha đẻ của ATM Gạo, ATM ô xy và nhiều hệ thống máy móc sử dụng công nghệ để cung cấp cho con người và xã hội những sản phẩm hữu ích (được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số năm 2021 ở hạng mục Giải pháp thu hẹp khoảng cách số) cho hay:
“Thực tế là chỉ cần sử dụng một nền tảng có sẵn, đơn giản, chi phí phù hợp cũng đã giúp việc quản lý tổng quan và vận hành doanh nghiệp chính xác hơn, khoa học hơn, dễ dàng nắm bắt được tình hình và tiến độ, công việc của các bộ phận, của người làm bất cứ khi nào. Chuyển đổi số giúp quản lý này dễ dàng đưa ra những quyết định một cách kịp thời và chính xác” – Ông Hoàng Tuấn Anh nói.
Ông Hoàng Tuấn Anh tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số năm 2021, được vinh danh ở hạng mục Giải pháp thu hẹp khoảng cách số |
Chuyên gia khẳng định, với công nghệ quản lý số, lãnh đạo hoàn toàn có thể biết nhân viên mạnh ở điểm nào, dễ dàng giao và nhận việc và việc lên lịch hợp lý cho nhân viên theo từng giai đoạn. Ngoài ra, các phần mềm quản lý công việc online đều có trang bị thêm tính năng check-in vị trí làm việc, giúp nhà quản lý theo dõi nhân viên dễ dàng hơn khi làm việc từ xa. Ông Hoàng Tuấn Anh cung cấp thêm rằng các kết luận về chuyển đổi số đều xuất phát từ thực tế vận hành, khi doanh nghiệp phải đối mặt với giai đoạn giãn cách chặt chẽ bởi COVID-19.
Ông Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm: “Mười năm trước, khi tôi từ Úc trở về Việt Nam, hồi đó muốn xây dựng một hệ thống để có thể trao đổi thông tin một cách bài bản, chuyên nghiệp, thông suốt là khá khó khăn nhưng hiện nay, những việc này đã dễ dàng hơn rất nhiều. Chuyển đổi số là công cuộc đang diễn ra với nhiều doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, tuy là nền tảng chuyển đổi số của Việt Nam có thể chưa cao nhưng cũng đáp ứng được khoảng 50%. Chúng tôi khẳng định chuyển đổi số là bắt buộc, không thể có sự lựa chọn nào khác”.
CEO Hoàng Tuấn Anh chia sẻ về các giải pháp chuyển đổi số, khẳng định doanh nghiệp không có con đường nào khác. Ảnh: Hòa Bình |
Chính quyền số - sự hài lòng của người dân là thước đo
Sau khi thực hiện con đường “chính phủ số” và số hóa các quy trình dựa trên giấy tờ, nhiều tỉnh thành phố, cơ quan, doanh nghiệp hiện đã chuyển trọng tâm sang phương pháp tiếp cận kỹ thuật số toàn tổ chức.
Quan sát của phóng viên cho thấy, rất nhiều tỉnh, thành phố đã lựa chọn đầu tư cho chuyển đổi số, yêu cầu vận hành guồng máy chính quyền số, đặc biệt là trong khu vực các dịch vụ công. Rất nhiều thủ tục kinh doanh và thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước đã được đáp ứng 100% trên môi trường số, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho việc chuyển đổi số thành công.
Tiêu biểu như tỉnh An Giang cũng đã được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số năm 2021 bởi thành tựu tập trung phát triển 3 trụ cột chính là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Trả lời VietTimes, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh An Giang khẳng định: “Chúng tôi mong muốn phục vụ người dân tốt hơn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm công khai, minh bạch trong giao dịch thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh ICT, thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội”.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang nhận cúp và chứng nhận đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc |
Hiện tại, rất nhiều tỉnh, thành phố cũng đang nỗ lực triển khai các kế hoạch cung cấp dịch vụ công đủ điều kiện thực hiện trực tuyến mức độ 4.
Trao đổi với VietTimes về vấn đề này, ông Đào Trung Thành – chuyên gia tư vấn chiến lược chuyển đổi số cho biết, ngày 21/4 Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch, đầu tư đã phối hợp với USAID cùng Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Ninh thuận: cơ hội, thách thức và giải pháp”.
Ông Đào Trung Thành đánh giá cao các kế hoạch cấp tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thực hiện việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo chuyên gia, khi có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, công tác chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp mà còn góp phần phát triển nền tảng kinh tế số nói chung.
Ông Đào Trung Thành ngồi ngoài cùng bên phải ảnh, với vai trò điều phối phiên thảo luận tại Hội nghị Chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận |
Cũng trong chiều 21/4, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Tạp chí điện tử VietTimes đã tổ chức họp báo phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 - Vietnam Digital Awards 2022 (VDA 2022), công bố 5 hạng mục và những nét mới so với các kỳ trao giải trước đây.
Giải thưởng VDA 2022 có 3 điểm mới so với các kỳ VDA trước đây, đó là lần đầu tiên các doanh nghiệp nước ngoài có pháp nhân tại Việt Nam hoặc cá nhân nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, được gửi hồ sơ tham dự giải thưởng. Ngoài ra, VDA 2022 sẽ tổ chức một số sự kiện CEO, CIO Talk dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số, và các chương trình thăm quan thực tiễn chuyển đổi số tại các địa phương.