Thể lệ, quy chế Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vietnam Digital Awards là giải thưởng thường niên của Hội Truyền thông số dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, vinh danh các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 cho đại diện Microsoft
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 cho đại diện Microsoft

Mục đích, ý nghĩa của Giải thưởng

1. Tôn vinh, trao tặng Giải thưởng cho tổ chức, cá nhân xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số chuyển đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra các phương thức mới và sáng tạo trong các lĩnh vực.

2. Góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam; phát triển kinh tế; góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

3. Tạo sân chơi cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.

4. Công nhận xứng đáng công sức của các tổ chức, cá nhân đóng góp vào thành tựu kỹ thuật số; nâng cao hình ảnh, quảng bá doanh nghiệp tới khách hàng tiềm năng; phát triển mạng lưới của doanh nghiệp và kết nối với các nhà lãnh đạo kinh doanh có ảnh hưởng khác. Bên cạnh đó, giúp cải thiện mô hình phát triển, thúc đẩy tinh thần làm việc, cống hiến của tổ chức, cá nhân và khuyến khích đổi mới và sáng tạo.

Chỉ đạo, chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình bình chọn và trao tặng Giải thưởng

Chương trình bình chọn và trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam do Hội truyền thông số (VDCA) chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức định kỳ hàng năm.

  1. Ban Tổ chức chỉ đạo Chương trình

  1. Ban Điều hành chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình.

Đối tượng tham gia và quyền lợi khi đạt Giải thưởng

1. Đối tượng tham gia

Là tổ chức được thành lập tại Việt Nam; tổ chức có đại diện pháp nhân tại Việt Nam hoặc là người Việt Nam; người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam triển khai hoạt động nghiên cứu, phát triển, phổ biến, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; có đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam.

2. Quyền lợi của tổ chức, cá nhân đạt Giải thưởng

a. Được sử dụng, khai thác thương mại biểu trưng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam phục vụ mục tiêu kinh doanh, tiếp thị.

b. Được mang Logo Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam trong giao diện và trên bao bì, tài liệu quảng cáo, giới thiệu.

c. Được VDCA gửi thư giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ.

d. Được tham gia và thụ hưởng các lợi ích từ chương trình truyền thông của Giải thưởng với nhiều hoạt động liên tục trong năm nhằm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, quảng bá tổ chức, cá nhân được công nhận đạt Giải thưởng.

đ. Được quảng bá, tôn vinh tại Lễ trao tặng giải thưởng;

e. Được viết bài, ghi hình, phỏng vấn cho phóng sự giới thiệu và quảng bá trên các kênh truyền thông xã hội của VDCA;

g. Được quảng bá trên Tạp chí điện tử VietTimes.vn - Cơ quan ngôn luận của VDCA;

h. Được giới thiệu trên Website chính thức của Chương trình Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam;

i. Được giới thiệu trên các báo, tạp chí bảo trợ truyền thông của Chương trình theo nhu cầu của doanh nghiệp với nhiều ưu đãi;

k. Các sản phẩm, dịch vụ được trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam được VDCA hỗ trợ, phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề để giới thiệu, tiếp thị đến các đối tượng khách hàng tiềm năng trong nước và ngoài nước (tùy theo yêu cầu và trường hợp cụ thể). Được ưu đãi kinh phí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do VDCA tổ chức.

Tiêu chí bình chọn

Các tiêu chí đánh giá bình chọn và trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam dựa trên kết quả chuyển đổi số và hiệu quả hoạt động, kinh doanh của tổ chức; hoặc tính năng, hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số:

1. Tính năng/chức năng và hiệu quả ứng dụng của sản phẩm, dịch vụ, giải pháp;

2. Công nghệ và chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giải pháp

3. Sự nổi trội, tính năng sáng tạo và đột phá của sản phẩm, dịch vụ , giải pháp so với các sản phẩm khác cùng loại trên thị trường;

4. Sản phẩm, dịch vụ mới, có tiềm năng ứng dụng;

5. Lực lượng nhân sự ICT;

6. Mức đầu tư cho ICT;

7. Quy trình quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh;

8. Doanh thu, thị phần;

9. Chất lượng hồ sơ tham dự và thông tin bảo đảm pháp lý;

10. Năng lực uy tín của tổ chức, cá nhân;

11. Vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tình hình tài chính doanh nghiệp;

12. Thế mạnh, điểm yếu doanh nghiệp;

13. Uy tín thương hiệu, định hướng phát triển;

14. Giải thưởng, bằng khen,...

* Đối với các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, cần có giấy phép, giấy xác nhận hoặc tương đương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ cấu Giải thưởng và hình thức công nhận

1. Cơ cấu Giải thưởng

a. Hạng mục 1: Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu

Trao cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông sở hữu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu, hướng đến giải quyết các vấn đề, nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.

b. Hạng mục 2: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc

Trao cho những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã có quá trình ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số thành công.

c. Hạng mục 3: Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc

Trao cho cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường quản lý, làm việc dựa trên nền tảng công nghệ số.

d. Hạng mục 4: Sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng

Trao cho tổ chức được thành lập tại Việt Nam; có đại diện pháp nhân tại Việt Nam hoặc cá nhân là người Việt; người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam sở hữu giải pháp công nghệ số mang tới hiệu quả cao cho người thiệt thòi về năng lực, người có sức mua thấp, cho những hoạt động, sự kiện, phong trào có ý nghĩa xã hội cao, có tính nhân văn sâu sắc.

e. Hạng mục 5: Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nước ngoài

Trao cho tổ chức nước ngoài có đại diện pháp nhân tại Việt Nam hoặc cá nhân nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, sở hữu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu, góp phần xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách tại Việt Nam.

2. Hình thức công nhận

Giải thưởng gồm:

a. Bằng khen/Giấy chứng nhận và Cúp của Ban Tổ chức;

b. Tiền thưởng (nếu có).

Hồ sơ xét tặng

Hồ sơ của các tổ chức, cá nhân tham dự chương trình bao gồm:

1. Đơn đăng ký tham gia của tổ chức, cá nhân (theo mẫu);

2. Thông tin tổ chức, cá nhân (theo mẫu);

3. Báo cáo mô tả sản phẩm, dịch vụ (theo mẫu);

4. Các bản sao công chứng đăng ký kinh doanh, giấy phép, căn cước công dân hoặc tương đương;

5. Kết quả kinh doanh/ứng dụng sản phẩm, dịch vụ (khuyến khích);

6. Xác nhận của cơ quan thuế, BHXH, BHYT trong 3 năm (khuyến khích);

7. Báo cáo kết quả đánh giá hoạt động môi trường (khuyến khích);

8. Báo cáo kết quả hoạt động ứng dụng KHCN, ứng dụng CNTT (khuyến khích);

9. Các loại chứng nhận, chứng chỉ về chất lượng sản phẩm (khuyến khích);

10. Ý kiến đánh giá, nhận xét của cơ quan quản lý nhà nước địa phương hoặc của tổ chức/cá nhân đề cử (khuyến khích).

Quy trình xét tặng Giải thưởng

1. Quy trình

a. Bước 1: Đề cử, tự đề cử

a1. Đề cử: Các tổ chức, cá nhân đề cử các tổ chức, cá nhân có các tiêu chí nêu tại Điều 5 và theo các Hạng mục nêu tại Điều 6 tham gia Giải thưởng.

a2. Tự đề cử: Các tổ chức, cá nhân có mong muốn tham gia Chương trình có thể tự đề cử.

a3. Hình thức đề cử/tự đề cử: Trực tuyến trên website của Chương trình.

a4. Ban Tổ chức căn cứ vào danh sách đề cử, tự đề cử để đề nghị các tổ chức, cá nhân được đề cử gửi Hồ sơ đầy đủ.

b. Bước 2: Bình chọn sơ tuyển và thẩm định thực tế

b1. Hội đồng bình chọn sơ tuyển đánh giá các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số, các tổ chức ứng dụng giải pháp chuyển đổi số có hồ sơ hợp lệ và lựa chọn các hồ sơ tốt nhất đưa vào Vòng bình chọn chung khảo.

b2. Theo điều kiện cụ thể, Hội đồng bình chọn sơ tuyển có thể tổ chức khảo sát các sản phẩm, dịch vụ số, thẩm định thực tế chuyển đổi số tại các tổ chức để lấy thông tin cho Vòng chung khảo.

c. Bước 3: Bình chọn chung khảo

Hội đồng bình chọn chung khảo có nhiệm vụ tổ chức bình chọn chung khảo các hồ sơ đã qua Vòng sơ tuyển và thẩm định thực tế lựa chọn ra các sản phẩm và dịch vụ số tiêu biểu, các tổ chức ứng dụng giải pháp chuyển đổi số xuất sắc nhất để trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam.

2. Hội đồng bình chọn sơ tuyển và Hội đồng bình chọn chung khảo

a. Hội đồng sơ tuyển và Hội đồng chung khảo có thành phần gồm những chuyên gia của các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện VDCA, các nhà báo, phóng viên báo chí, nhà doanh nghiệp, chuyên gia. Hội đồng có Chủ tịch, các Ủy viên và Thư ký Hội đồng do Chủ tịch VDCA quyết định thành lập theo đề xuất của Ban Thư ký.

b. Ứng viên tham gia Chương trình không được tham gia Hội đồng sơ tuyển và Hội đồng chung khảo.

Thời gian nhận hồ sơ và Lễ trao Giải thưởng

Thời gian phát động, tổ chức sơ tuyển và chung khảo và Lễ trao Giải thưởng do Ban Tổ chức quyết định.