Nhằm tìm hiểu kỹ hơn về quá trình khám phá vùng đất “bất khả xâm phạm” trong bào thai của bác sĩ, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với BS. CKI. Nguyễn Thị Sim – Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
PV: Vì sao bà lại chọn ngành y và làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội?
BS. CKI. Nguyễn Thị Sim: Ngay từ khi học cấp 2, tôi đã có niềm đam mê đặc biệt với môn sinh học. Có thể nói đây đúng là chữ “duyên”. Khi tôi đang học ở đội tuyển sinh học thì thầy cô giáo lại mời tôi sang đội tuyển môn khác vì đang thiếu người. Mặc dù chuyển sang đội tuyển môn khác, giành giải Nhất tỉnh nhưng tôi vẫn ham mê môn sinh học, lên cấp 3 tôi vẫn vào Chuyên Sinh và giải quốc gia môn sinh học.
Sau khi đạt giải quốc gia, tôi phải đứng trước 2 lựa chọn đó là làm cô giáo và làm bác sĩ. Mặc dù biết trước việc làm bác sĩ sẽ phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi vẫn lựa chọn theo nghề Y.
BS. Sim chia sẻ về quá trình nghiên cứu, triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai (Ảnh - Minh Thuý) |
Trong thời gian học và nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Y Hải Phòng, tôi đã được các thầy cô dạy bảo, hướng dẫn rất nhiệt tình, đặc biệt là thầy cô bộ môn Sản. Hơn nữa, là một người phụ nữ, tôi rất muốn tìm hiểu về cơ thể của người mẹ để có thể tìm hiểu họ đã vất vả ra sao. Vì thế, từ hồi sinh viên tôi đã học chuyên sâu về sản khoa, sáng tối có mặt tại Bệnh viện Phụ Sản. Để rồi ngay sau khi ra trường, may mắn tôi đã được làm việc ở phòng chẩn đoán trước sinh của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Phòng chẩn đoán trước sinh làm nhiệm vụ chẩn đoán trước sinh để phát hiện sớm những em bé bị dị tật hình thái, rối loạn di truyền.... Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên hoặc kế hoạch để có thể hỗ trợ em bé ngay sau sinh.
Thời điểm đó, các ca bệnh của phòng chẩn đoán trước sinh được coi là nỗi “ám ảnh” của những bác sĩ mới ra trường bởi ngày nào cũng gặp rất nhiều em bé bị dị tật khiến gia đình, đặc biệt là người mẹ vô cùng đau khổ. Nhưng kì lạ, tôi thấy thương họ vô cùng, tôi không thấy chán khoa này, mà vô cùng trăn trở làm sao để nâng cao kiến thức, trình độ để giúp đỡ được những người mẹ có thể sinh con thành công và khỏe mạnh, vì thế tôi đã gắn bó với chẩn đoán trước sinh đến tận bây giờ.
PV: Từ trước đến nay, bào thai là một vùng “bất khả xâm phạm”trong cơ thể người phụ nữ. Vậy tại sao bà lại quyết tâm tìm hiểu về can thiệp bào thai?
BS. CKI. Nguyễn Thị Sim: Hầu hết mọi người đều nghĩ bào thai là một vùng bất khả xâm phạm vì trước kia chưa có những giải thích khoa học rõ ràng về bánh rau, túi ối, hội chứng của thai. Nhưng ngày nay, khoa học phát triển, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và đưa ra được hầu hết cơ chế bệnh sinh của các bệnh lý về bánh rau, dây rốn và của thai nhi.
BS. Sim tư vấn cho một cặp vợ chồng (Ảnh - Minh Thuý) |
Vào năm 2009, khi mới về làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc can thiệp bào thai khi đó chỉ đơn giản là đưa kim vào buồng ối để hút nước ối, xét nghiệm di truyền cho thai nhi. Nhưng thời điểm đó, rất ít bệnh nhân dám làm xét nghiệm và rất sợ kim chọc vào buồng ối vì có thể làm cho em bé bị dị tật hoặc buồng ối bị vỡ, gây nhiễm trùng nên mỗi tuần chỉ có 3-5 ca chọc ối thôi. Ngày nay đã khác, hàng tuần có 50-70 ca chọc ối. Không chỉ dừng ở đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã không ngừng nỗ lực để đào tạo kiến thức chuyên sâu cho các bác sĩ, tạo điều kiện rất nhiều cho các bác sĩ tiếp cận các kiến thức mới nên các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được tham gia rất nhiều hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Tôi cũng rất may mắn, được cùng các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được đi dự hội thảo khoa học về bào thai ở các nước trên thế giới từ năm 2014. Sau đó, năm 2017, tôi được Bệnh viện tạo điều kiện cho đi đào tạo tại Pháp để nghiên cứu chuyên sâu về y học bào thai.
Cùng với việc cử các bác sĩ đi học, nâng cao trình độ chuyên môn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn chuẩn bị phòng mổ với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Đến tháng 6/2018, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt để triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai. Cuối năm 2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã trở thành bệnh viện công đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng thành công kỹ thuật can thiệp bào thai để điều trị hội chứng truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối.
PV: Ca can thiệp bào thai đầu tiên mà bà thực hiện diễn ra như thế nào?
BS. CKI. Nguyễn Thị Sim: Tại bệnh viện Necker Paris – nơi tôi thực tập, họ có một ê kíp kỳ cựu và làm việc rất thuần thục với phòng mổ đạt chuẩn nên tôi rất yên tâm thực hành. Khi về nước phải bắt tay triển khai kỹ thuật mới, với ekip mới, quả thực tôi cũng vô cùng lo lắng. Nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, ban giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sự ủng hộ của đồng nghiệp, đặc biệt là được trực tiếp PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện chỉ bảo và vào thực hiện can thiệp kỹ thuật can thiệp bào thai cùng nên tôi thêm vững tin hơn, thêm quyết tâm phải làm thế nào để đạt được kết quả tốt nhất.
Bệnh nhân đầu tiên đến Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để can thiệp bào thai là một sản phụ bị hội chứng truyền máu song thai – mang 2 thai chung 1 bánh rau dẫn đến tình trạng cả 2 em bé mất cân bằng dinh dưỡng. Nếu không can thiệp, 90% cả 2 em bé sẽ tử vong. Vì thế, chúng tôi đã Hội chẩn Ban giám đốc và hội chẩn với giáo sư đầu ngành trong can thiệp bào thai Yves Ville (Pháp), để lên lịch mổ cho sản phụ.
BS. Sim khám cho sản phụ (Ảnh - BSCC) |
May mắn, ca can thiệp bào thai đã thành công tốt đẹp trong 60 phút. Hai em bé đã được cân bằng về mặt dinh dưỡng, phát triển bình thường đến khi chào đời. Đây chính là kỳ tích của y học vì các bác sĩ đã đưa được camera siêu nhỏ vào buồng ối để soi tỏ các mạch máu trong bánh rau, đưa được sợi laze để đông các cầu nối mạch máu mà đảm bảo được buồng ối không bị nhiễm trùng, không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Sau đó, sản phụ đã sinh nở thành công, mẹ tròn con vuông, chúng tôi đã “vỡ oà” trong hạnh phúc.
Từ ca can thiệp bào thai đầu tiên này, tôi nhận thấy bản thân phải càng phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để ekip của chúng tôi có thể cứu được nhiều ca bệnh nữa. Vì tôi cũng là phụ nữ, đã từng 2 lần mang thai với tai biến sản khoa, tôi bị băng huyết và phải truyền máu khi sinh em bé đầu tiên, còn bé thứ 2 bị thiểu ối phải sinh non. Nên khi gặp những bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh giống mình, những bệnh nhân thai sản bệnh lí tôi rất thấu hiểu và đồng cảm với họ, luôn mong ước có thể cứu sống những sinh linh bé nhỏ trước lưỡi hái của tử thần, không để các em phải ra đi.
PV: Kỹ thuật can thiệp bào thai đòi hỏi những yếu tố gì thưa bà?
BS. CKI. Nguyễn Thị Sim: Khi tiến hành can thiệp bào thai, ngoài trình độ của các bác sĩ còn phải đảm bảo môi trường phòng mổ phải vô khuẩn tuyệt đối, đảm bảo trang thiết bị hiện đại, ê kíp làm việc phải phối hợp chặt chẽ với nhau, phải đảm bảo sức khoẻ của bà mẹ lẫn thai nhi. Để thực hiện kỹ thuật này, tôi cũng như các bác sĩ ở bệnh viện phải phối hợp chặt chẽ với nhau, đồng thời, bác sĩ trực tiếp can thiệp phải thực sự khéo léo, kết hợp nhuần nhuyễn động tác từ tay đến chân, tập trung 100% khi thực hiện.
Can thiệp bào thai sẽ “sửa chữa” được một số bất thường của thai nhi, điều trị bệnh lí thai ngay từ khi em bé còn nằm trong bụng mẹ. Hiện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã điều trị được bệnh thiểu ối, đa ối, can thiệp bào thai điều trị hội chứng truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối, sắp tới sẽ triển khai các kỹ thuật cao hơn nữa. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tiến hành đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 37 đầu cầu trên cả nước để các bác sĩ tiếp cận với y học bào thai, giúp y học bào thai phát triển mạnh hơn trong tương lai.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!