Đây là thông tin được công bố trong văn bản trả lời của Bộ TT&TT trước kiến nghị của Sở TT&TT Đồng Tháp về hướng dẫn quản lý đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách có nhận chuyển tiền, tài liệu, kiện hàng
Theo đó, Bộ TT&TT cho biết, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp được kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm nếu đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của pháp luật có liên quan (kinh doanh đa ngành đa nghề). Do đó, doanh nghiệp vận chuyển hành khách nếu đăng ký kinh doanh ngành nghề bưu chính có mong muốn tham gia thị trường cung ứng dịch vụ bưu chính (thư, gói kiện hàng hóa) để tận dụng hạ tầng và mạng lưới thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
Tức là, nếu doanh nghiệp muốn tham gia vào ngành nghề bưu chính thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép bưu chính (nếu cung ứng dịch vụ thư quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bưu chính) và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính (nếu tiến hành các hoạt động bưu chính quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính) để được kinh doanh dịch vụ bưu chính một cách hợp pháp.
Còn nếu doanh nghiệp vận tải hành khách có nhận, chuyển phát thư, gói kiện hàng hóa nhưng không có giấy phép bưu chính hoặc văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cung ứng dịch vụ bưu chính không có giấy phép/văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 và điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, trong trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm dù đã được cơ quan quản lý nhắc nhở/yêu cầu nhiều lần.
Riêng các dịch vụ không phải dịch vụ bưu chính như chuyển tiền, thu hộ, chi hộ,…không thuộc phạm vi quản lý của Bộ TTTT mà thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Dựa trên tình hình phát triển của thị trường tài chính, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định cụ thể các đối tượng, lĩnh vực cần cấp phép hoặc không cần cấp phép. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không có quy định quản lý về hoạt động này.
Trích Nghị định số 174/2013/NĐ-CP
Điểm a khoản 3 Điều 3 quy định : Cung ứng dịch vụ bưu chính mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Điểm a khoản 3 Điều 4 quy định: Cung ứng dịch vụ bưu chính mà không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.