Theo quy định mới này, Mã bưu chính quốc gia sẽ xác định các loại đối tượng sau: Phường, xã và đơn vị hành chính tương đương; Điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng; Điểm phục vụ bưu chính và đối tượng phục vụ thuộc mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Theo số liệu công bố chính thức của Liên minh bưu chính thế giới (UPU), có 174 quốc gia đã ban hành và sử dụng Mã bưu chính. Mã bưu chính có độ dài 5 ký tự là phổ biến nhất, có 69 nước sử dụng. Có nước như Hàn Quốc đã chuyển đổi từ mã bưu chính 6 ký tự (áp dụng từ năm 1988) sang sử dụng mã dài 5 ký tự (áp dụng từ năm 2015). Nhiều nước có diện tích rộng, dân số lớn, nhiều đơn vị hành chính (như Đức, Italia, Indonesia, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ…) cũng sử dụng mã dài 5 ký tự.
Mã bưu chính quốc gia hiện hành của Việt Nam được quy định từ năm 2004 có độ dài 6 ký tự, trong quá trình triển khai và ứng dụng còn nhiều bất cập. Đa số người dân, doanh nghiệp vẫn còn xa lạ, chưa biết đến mã bưu chính, việc ứng dụng mã bưu chính trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác còn nhiều hạn chế. Mã bưu chính mới dài 5 số ngắn, dễ nhớ, phù hợp với xu hướng phổ biến trên thế giới, dễ áp dụng đối với hoạt động chia chọn của Bưu điện Việt Nam; đồng thời đáp ứng xu hướng phát triển Chính phủ điện tử và thương mại điện tử.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa thành lập nhóm công tác xây dựng mã bưu chính quốc gia. Nhóm công tác có nhiệm vụ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các cơ quan, đơn vị xây dựng, kiểm tra, hiệu chỉnh và hoàn thiện dự thảo dữ liệu Mã bưu chính quốc gia trình Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành vào cuối năm 2017.