Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020

VietTimes - Chính phủ vừa có Nghị quyết 63/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động phải cụ thể hóa các nhiệm vụ nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Chương trình hành động phải thể hiện được vai trò kiến tạo của Chính phủ, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và cơ quan nhà nước các cấp.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; trong đó tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tập trung chủ yếu vào cải cách toàn diện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các quy định quản lý chuyên ngành xuất khẩu và nhập khẩu, các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và môi trường.

Nhiệm vụ tiếp theo là ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với nguyên tắc thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối phù hợp với mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế của Chính phủ. Xử lý giảm thiểu các khoản nợ xấu.

Đổi mới chính sách quản lý để tăng cường kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ, cơ cấu lại các khoản nợ công, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và bảo lãnh Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách; bảo đảm các giới hạn an toàn về nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với giá các dịch vụ công quan trọng.

Nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung 3 trọng tâm: Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

Thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và hiệu quả các ngành, lĩnh vực: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp và xây dựng, từng bước tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu..; tái cơ cấu thị trường tài chính.

Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, có tính lan tỏa tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Ưu tiên vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn.

Hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Xây dựng trình Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: Công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản...

Đối với doanh nghiệp nhà nước, phải đẩy nhanh chương trình, kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước theo lộ trình tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, trong đó, mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển. Rà soát, đơn giản hóa các chính sách và pháp luật khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án đầu tư nước ngoài, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế. Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm đối với từng ngành, lĩnh vực, khu vực và đối tác.

Tăng cường đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (xúc tiến đầu tư tại chỗ), đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư. Ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách và thể chế pháp lý về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa về môi trường, thể chế pháp lý, quy trình, thủ tục thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Đối với các dự án cụ thể sử dụng nguồn vốn này, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ đầu tư các dự án thật cần thiết và có hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, giám sát trong quá trình đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Đề cao vai trò giám sát của các cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, cộng đồng dân cư, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; phát triển năng lực và phẩm chất người học; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân cho học sinh; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo và ý thức tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, trải nghiệm thực tế và nghiên cứu khoa học.

Xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng giáo dục, đào tạo gắn với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Hoàn chỉnh phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; tiếp tục giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học; công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, trên cơ sở đó thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học.

Về phát triển khoa học và công nghệ, khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ công lập.

Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ...

Tạo điều kiện hộ cận nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững

Thực hiện chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều (bao gồm yếu tố khác ngoài thu nhập). Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, ưu tiên phân bổ cho thực hiện ở những vùng khó khăn nhất, nghèo nhất, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo, nghiên cứu có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo bền vững có hiệu quả. Khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân.

Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục nhanh tình trạng quá tải bệnh viện, nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng một số bệnh viện tuyến cuối và tuyến vùng. Thí điểm hình thành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hình thức hợp tác công tư và mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích. Tiếp tục phát triển y tế ngoài công lập phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm

Tăng cường các giải pháp chính sách để kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại khu vực nông thôn, các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Thực hiện các chương trình xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước, xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường. Có biện pháp, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường.

Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cụm công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất lớn. Thực hiện nhất quán chủ trương không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Thực hiện kê khai trung thực, chính xác, đầy đủ tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức và trách nhiệm công vụ; xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tập trung chỉ đạo và xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, lãng phí; những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật. Thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, nhất là các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Động viên, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng, lãng phí.

Triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ. Theo đó, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính và sử dụng có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển dịch vụ công trực tuyến và có giải pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng

Rà soát và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, của các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng loại bỏ các chức năng, nhiệm vụ không phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường, giảm thiểu can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền

Nghị quyết nêu rõ, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Trong đó, tăng cường quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội.

Nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Triển khai đồng bộ hoạt động đối ngoại, cả về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Mở rộng và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Xây dựng và thực hiện các chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc.

Kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu về đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo đồng thuận trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

X.T