Doanh nghiệp dịch vụ số "kêu trời" vì xây dựng CSDL số quá khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Chúng tôi kiến nghị sớm có quy định để chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu số, làm sao để các bộ, ngành, địa phương đang nắm giữ kho dữ liệu vui vẻ chia sẻ nguồn tài nguyên này. Có như vậy, các địa phương và các bộ, ngành được khai thác, sử dụng dữ liệu hiệu quả mà không tốn ngân sách quốc gia để làm lại", Tổng giám đốc FSI chia sẻ.

Ông Nguyễn Hùng Sơn – Tổng giám đốc FSI – trao đổi tại phiên toạ đàm Chuyển đổi số quốc gia.
Ông Nguyễn Hùng Sơn – Tổng giám đốc FSI – trao đổi tại phiên toạ đàm Chuyển đổi số quốc gia.

Ông Nguyễn Hùng Sơn – Tổng giám đốc FSI đặt ra vấn đề mà nhiều người tâm đắc trong phiên thảo luận tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020 – diễn ra trong 2 ngày 14-15/12.

Tự nhận mình là đại diện cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, ông Nguyễn Hùng Sơn cho biết FSI đã tham gia cung cấp dịch vụ số hóa, đồng hành cùng với các bộ, ngành, các địa phương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu số, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong thực tế triển khai tại các địa phương, ông Sơn thấy có khá nhiều vướng mắc về mặt chính sách.

Thứ nhất: Thiếu lộ trình, kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu số

Nói đến chuyển đổi số là phải có cơ sở dữ liệu số. Tuy nhiên, Tổng giám đốc FSI nêu thực tế:

Nhiều bộ, ngành hiện đang thiếu lộ trình, kế hoạch xây dựng hay yêu cầu cụ thể về cơ sở dữ liệu quan trọng liên quan. “Việc này khiến cho các địa phương, kể cả các địa phương có ngân sách, rất lúng túng trong việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu số trong lĩnh vực này” – ông Sơn nói.

Ông Sơn kiến nghị các cơ quan quản lý cần sớm ban hành lộ trình, kế hoạch xây dựng các cơ sở dữ liệu số để các cơ quan, tổ chức, các bộ ban ngành, cũng như các doanh nghiệp khi có ngân sách thì họ chủ động thực hiện. Trong đó, ông đề nghị cần sớm có định hướng về cơ sở dữ liệu cho 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.

Thứ hai: Sớm ban hành định chuẩn về dữ liệu số

Đại diện FSI cho biết, trong khi doanh nghiệp cùng các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu thì đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến định chuẩn dữ liệu – vốn là những vấn đề khó hình dung nếu chưa trải nghiệm thực tế.

Lấy ví dụ về việc triển khai dữ liệu Tư pháp - Hộ tịch trong khai sinh, khai tử của nhiều địa phương, ông Sơn cho rằng các địa phương hầu hết đều băn khoăn về việc phải số hoá những trường thông tin nào và theo định dạng như thế nào.

“Điều đó khiến cho các tỉnh khi triển khai phải phát văn bản lên cấp trung ương để xin ý kiến. Cùng với đó, trong khi hoạt động tương tác của chính quyền các cấp tại Hà Nội với các đơn vị cấp bộ, ngành trung ương diễn ra nhanh và đơn giản thì việc này ở các đơn vị địa phương lại rất khó khăn. Các địa phương có vẻ ngại việc này nên thời gian nhận đủ thông tin thường kéo dài” – ông Sơn nói.

Vì thế, ông Sơn đề nghị các bộ ngành sớm có quy định về định chuẩn dữ liệu và văn bản hướng dẫn để các địa phương chủ động thực hiện.

Cơ sở dữ liệu số được xây dựng với yêu cầu phải tạo thuận lợi chia sẻ cho bên ngoài thay vì chỉ tập trung xây dựng phục vụ nhu cầu nội bộ làm hạn chế chia sẻ dữ liệu. Ảnh minh hoạ.

Cơ sở dữ liệu số được xây dựng với yêu cầu phải tạo thuận lợi chia sẻ cho bên ngoài thay vì chỉ tập trung xây dựng phục vụ nhu cầu nội bộ làm hạn chế chia sẻ dữ liệu. Ảnh minh hoạ.

Thứ ba: Cần có cơ chế tham vấn chuyên gia và doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận, lắng nghe, ghi nhận và phản hồi trao đổi của Tổng giám đốc FSI, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng bày tỏ, ông luôn mong mỏi các doanh nghiệp bất cứ khi nào có kiến nghị, đề xuất – mà đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến chính sách kết nối và chia sẻ – thì trao đổi trực tiếp với ông qua điện thoại, email.

“Tôi cam kết sẽ trả lời trong vòng 24 giờ” – Thứ trưởng Huy Dũng nói.

Theo Tổng giám đốc FSI, trước khi ban hành các định chuẩn về dữ liệu hay phê duyệt lộ trình xây dựng các cơ sở dữ liệu số, các cơ quan chức năng nên tổ chức tham vấn ý kiến của giới chuyên gia và cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ và giải pháp.

Sở dĩ nên như vậy là để đẩy nhanh việc thực thi chính sách, đảm bảo chính sách đi trước và mở đường cho các đột phá kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thứ tư: Cần cơ chế chia sẻ dữ liệu số

Thực tế hiện nay, dữ liệu đã được xây dựng và đang được lưu trữ, sử dụng nội bộ ở các bộ, ngành cũng như nhiều cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế để khai thác, chia sẻ kho dữ liệu này.

“Chúng tôi kiến nghị sớm có quy định để chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu số, làm sao để các bộ, ngành, địa phương đang nắm giữ kho dữ liệu vui vẻ chia sẻ nguồn tài nguyên này. Có như vậy, các địa phương và các bộ, ngành được khai thác, sử dụng dữ liệu hiệu quả mà không tốn ngân sách quốc gia để làm lại” – ông Sơn nêu đề xuất.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ban hành ngày 9/4/2020 về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước nêu rõ: Dữ liệu phải được xây dựng tạo thuận lợi chia sẻ cho bên ngoài, được xác định ngay từ khi xây dựng thay vì chỉ tập trung xây dựng phục vụ nhu cầu nội bộ làm hạn chế chia sẻ dữ liệu - là nguyên nhân dẫn tới sự cát cứ, trùng lặp.

Xác định được vai trò của dữ liệu đối với phát triển Chính phủ số, Nghị định đã đặt vấn đề chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương phải có chiến lược về dữ liệu để định hình phương hướng và tầm nhìn khi triển khai xây dựng dữ liệu với sự dẫn dắt của Chiến lược dữ liệu quốc gia. Đây là nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian tới.