Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, người dân ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh trồng khoảng 100 hecta hoa cung cấp cho toàn thành phố. Trong đó, hoa cúc chủ yếu cung cấp cho các nhà tang lễ, làm vòng hoa để phục vụ cho các đám tang. Người dân bán hoa sẽ trực tiếp tiếp xúc với nhiều người.
Bên cạnh đó, những người mua bán hoa (chủ yếu là bán lẻ) ở các chợ sẽ có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Việc vận chuyển hoa cho các tỉnh thực hiện bằng máy bay, ô tô thì chủ yếu đều do lái xe, bốc vác thực hiện.
"Chúng ta cần phân tích rõ từ việc cung cấp, nhu cầu của từng loại hoa đặc thù của vùng này để khoanh vùng cụ thể lại. Tôi tin rằng nếu tính đến đường đi ngóc ngách thì việc bán hoa từ các đại lý sẽ đến từng cơ quan” – ông Chung nói.
Vì vậy Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các quận, huyện, đặc biệt là các quận, huyện có chợ hoa Mê Linh như huyện Đông Anh, quận Tây Hồ, quận Bắc Từ Liêm và các quận có nhà tang lễ gồm: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy cần rà soát, theo dõi kỹ những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc COVID-19.
Thông tin về một số quan điểm trái ngược của các chuyên gia về nguồn gốc lây nhiễm các ca ở Hạ Lôi, ông Chung nêu rõ: “Quan điểm của tôi trên cương vị chỉ đạo ở TP. Hà Nội là rà soát những người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai thì mới phát hiện ra bệnh nhân 243 mắc COVID-19 và từ bệnh nhân này mới tìm ra các bệnh nhân khác ở thôn Hạ Lôi. Chúng ta đã thống nhất quan điểm rất rõ ràng là những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ lây nhiễm cao."
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các quận, huyện cần đúc kết những bài học trong quá trình xác minh, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, lấy mẫu, đồng thời, nhấn mạnh: "Hà Nội vừa trải qua 14 ngày tương đối sóng gió. Từ ca đầu tiên mắc COVID-19 được phát hiện vào ngày 6/3, đến nay đã hơn 1 tháng và Hà Nội vẫn là một địa bàn nóng bỏng với số ca nhiễm và số ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất."