Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Bộ Y tế đã nâng cấp phòng ngừa dịch COVID-19 lên một cấp độ mới, vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao. Do đó, những người đến khám tại bệnh viện đều được coi là F1 có khả năng truyền bệnh, từ đó có thể phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập. Trong bối cảnh bệnh nhân nội trú và ngoại trú đã giảm so với trước, các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng hộ và kỹ năng tiếp cận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Các bệnh viện tăng cường tư vấn từ xa, khám, chữa bệnh tại nhà; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giao ban; tư vấn, hội chẩn từ xa; giãn cách bệnh nhân trong khu điều trị nội trú; thông thoáng phòng bệnh, phòng làm việc.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Ảnh: Lê Hảo
|
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân 243 mắc COVID-19 đã đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khiến 63 cán bộ y tế tại Bệnh viện đã phải cách ly, dù các cán bộ y tế đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng đây cũng là một “tổn thất” của Bệnh viện.
Vì thế, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê yêu cầu Bệnh viện phân luồng người bệnh ngay từ khu vực bảo vệ, khu gửi xe, để tiếp đón người bệnh nghi COVID-19 tại khu vực riêng biệt bên ngoài tòa nhà chính. Phải sắp xếp liên hoàn và một chiều để làm giảm thiểu nhất quãng đường di chuyển của người bệnh giữa các khu vực khám, phòng đẻ, phòng mổ; bố trí biển chỉ dẫn ngay bên ngoài cổng, biển có mầu để gây sự chú ý, dễ nhận biết; lắp camera giám sát ngay tại cổng để giám sát những người ra vào bệnh viện.
Khu vực tiếp đón người dân tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Lê Hảo
|
Để đảm bảo nhân lực y tế phục vụ chăm sóc người bệnh, Đoàn công tác đề nghị Bệnh viện lập kế hoạch sắp xếp bố trí nhân lực cho phù hợp với tình hình số lượng, mức độ bệnh nhân đang khám, điều trị tại các khoa, phòng, trung tâm và để bảo đảm nhân lực hoạt động chuyên môn, hành chính trong tình huống có nhân viên y tế bị cách ly điều trị, tốt nhất là 3 kíp làm việc luân phiên cách nhau 14 ngày; Đảm bảo đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế; thông thoáng bệnh phòng, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn theo đúng hướng dân của Bộ Y tế.
Tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra quy trình khám, sàng lọc người bệnh nghi nhiễm COVID-19 của Bệnh viện tại cổng trên đường Tràng Thi.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê đánh giá cao việc Bệnh viện Phụ sản Trung ươngthực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Công điện về việc tiếp tục tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện cũng đã có những sáng tạo trong thực hiện sàng lọc, phân loại người bệnh.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cùng đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện. Ảnh: Lê Hảo
|
Thời gian tới, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê đề nghị Bệnh viện cần có chiến lược trong sử dụng nhân lực trong khám và trong điều trị; chia kíp trực cách nhau từ 7 đến 14 ngày. Nếu không may, kíp thứ nhất bị nhiễm hoặc tiếp xúc gần người bệnh dương tính thì cách ly kíp đó và huy động kíp sau tiếp tục. Làm như vậy để luôn luôn có đủ nguồn nhân lực để làm việc, tránh tình trạng như vừa rồi, có ca dương tính là toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa.
Để chủ động phòng, chống COVID-19, Bệnh viện đã sử dụng duy nhất một cổng để đón tiếp toàn bộ bệnh nhân đến khám và cấp cứu tại đây. Toàn bộ những ai vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương đều bắt buộc phải đo thân nhiệt tự động; khử khuẩn đồ dùng cá nhân; khai báo y tế; xếp hàng cách 2m; rửa tay bằng xà phòng; dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn trong suốt quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Người nhà bệnh nhân được phát thẻ và chỉ duy nhất 1 người nhà đi theo và phải chấp hành những quy định chống dịch chặt chẽ của bệnh viện. Bệnh viện cũng bố trí khu cách ly dã chiến dành cho những sản phụ có dấu hiệu sốt, ho, khó thở ngay lập tức được cách ly riêng và đưa vào khu khám bệnh dã chiến vừa được thiết lập tách riêng với khu điều trị nội trú.