Ảnh: Yahoo Finance |
Theo báo cáo của Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), trong bối cảnh Mỹ siết chặt lệnh xuất khẩu công nghệ, Hàn Quốc được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc về chi tiêu mua sắm thiết bị sản xuất chip điện tử vào năm tới, góp phần thay đổi cán cân chuỗi cung ứng mảng bán dẫn. Theo đó, Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng 41,5% mức đầu tư cho các thiết bị sản xuất công nghệ, đạt 21 tỉ USD vào năm 2024, trong khi Trung Quốc chỉ tăng 2% lên 16,6 tỉ USD.
Những con số này cho thấy Trung Quốc đang gặp hàng loạt khó khăn trong việc xây dựng những thiết bị sản xuất chất bán dẫn, khi Mỹ ngày càng gây nhiều sức ép và buộc các hãng cung ứng lớn trên thế giới phải tham gia liên minh cấm xuất khẩu công nghệ. Việc Hà Lan và Nhật Bản đồng ý siết chặt hạn chế xuất khẩu mặt hàng thiết bị sản xuất công nghệ cho Trung Quốc sẽ khiến những sản phẩm như thiết bị sản xuất chip điện tử từ các hãng Nvidia, Tokyo Electron bị đặt ngoài tầm với của các nhà máy tại quốc gia tỉ dân này.
Mảng sản xuất chip điện tử đang trở thành một lĩnh vực rất quan trọng bởi nó đóng vai trò chủ chốt cho nhiều lĩnh vực công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo, xe tự lái cho đến cả lĩnh vực quốc phòng như tên lửa.
Được biết, ChatGPT của OpenAI hiện phải sử dụng hàng chục nghìn chip A100 của Nvidia để xử lý dữ liệu trên hệ thống siêu máy tính, nhưng loại chip này đã bị cấm bán sang Trung Quốc.
Với việc Mỹ muốn hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực này, Hàn Quốc có thể trở thành thị trường thay thế với nhiều ưu thế sẵn có.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố kế hoạch đầu tư 300 nghìn tỉ Won, tương đương 230 tỉ USD cho tổ hợp sản xuất chip điện tử ở miền nam thủ đô Seoul. Dự án này chủ yếu do Samsung Electronics thực hiện và sẽ được hoàn thiện và vận hành trong vòng 20 năm tới.
Samsung đang xây dựng một nhà máy bán dẫn tại Texas nhằm tận dụng cơ hội thu hút thêm nhiều hợp đồng từ Mỹ, đặc biệt là khi nhiều công ty đang tìm kiếm nguồn cung mới để tránh các rủi ro chính trị.
Tương tự, TSMC của Đài Loan được dự đoán sẽ tiếp tục giữ vị trí là doanh nghiệp sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, bởi thị trường này dự kiến sẽ tăng đầu tư thêm 4,2% lên 24,9 tỷ USD vào năm 2024 cho lĩnh vực sản xuất công nghệ.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tăng đầu tư mảng sản xuất công nghệ lên 7 tỉ USD vào năm tới. Quốc gia này cũng đã chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Hàn Quốc sau khi các nhà lãnh đạo của hai nước đã có cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo do Mỹ tổ chức. Theo báo cáo của SEMI, chi tiêu cho thiết bị sản xuất công nghệ trên toàn cầu sẽ tăng 21% lên 92 tỉ USD vào năm 2024, sau khi giảm 22% trong năm nay do nhu cầu về chip điện tử hiện tại yếu.
Theo Yahoo Finance