Kể từ ngày 3/8, khi người dùng Facebook Mỹ lướt qua các liên kết phổ biến – bao gồm cả các liên kết chứa thông tin sai lệch – trên bảng tin, họ sẽ nhìn thấy một loạt bài báo khác có cùng chủ đề phía dưới. Tính năng “tin bài liên quan” này là một phần trong nỗ lực hạn chế thiệt hại từ thông tin sai lệch của Facebook.
Trong vài tháng gần đây, Facebook đã giới thiệu vài tính năng tương tự để hối thúc người dùng suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ một câu chuyện nào đó nhưng không ngăn cản họ chia sẻ. Mạng xã hội cũng kết hợp với các đối tác xác thực nguồn tin khác như Snopes.com để đánh dấu các liên kết dẫn đến bài báo có nội dung sai lệch.
Động thái cho thấy chiến lược của Facebook trong việc hạn chế sự hiện diện của tin giả trên nền tảng của mình mà không cần phải kiểm duyệt, vai trò mà họ không mong muốn. Dù có quy định cấm phát ngôn thù địch và các loại khác, Facebook lại không có chính sách xoay quanh tính chính xác của tin tức.
Năm 2016, công ty của Mark Zuckerberg bị chỉ trích vì không ngăn cản được các tin giả mạo bị phát tán trong suốt cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Sau khi phủ nhận những lời chỉ trích, cuối cùng Zuckerberg phải thừa nhận trách nhiệm của Facebook trong việc này.
Cách tiếp cận của Facebook cũng tương tự của Google. Hãng tìm kiếm Internet lớn nhất thế giới đang hợp tác với các bên thứ ba để xác thực nguồn tin và gần đây cải tiến công cụ tìm kiếm để chặn đứng các website chứa tin giả mạo, lừa đảo… xuất hiện trên kết quả hàng đầu.
Trong một bài đăng khá dài hồi tháng 2, Zuckerberg cho biết Facebook tập trung ít hơn vào ngăn chặn thông tin, thay vào đó hiển thị nhiều góc độ và thông tin bổ sung. Vài tháng tới, họ có kế hoạch phụ thuộc nhiều hơn vào các đối tác. Nếu 2 hay nhiều đối tác dán nhãn một bài báo là “tranh cãi”, nó tự động xếp hạng thấp hơn trên bảng tin của người dùng.
Tính năng tin bài liên quan áp dụng cho các nội dung bị dán nhãn tranh chấp bởi các đối tác nhưng cũng có thể trên một vài câu chuyện xác thực đang được lan truyền mạnh mẽ. Facebook hi vọng nó giúp mọi người biết thêm được về các quan điểm khác.
Nếu bài báo phổ biến, phần mềm Facebook lựa chọn một số tin bài liên quan và đặt ngay bên dưới. Với các bài báo dường như chứa thông tin sai, Facebook lại liên kết đến lời giải thích của các đối tác.
Phát ngôn viên Facebook cho biết công ty đã bắt đầu trả tiền cho đối tác xác thực nguồn tin. Chẳng hạn, FactCheck.Org nhận được 52.283,34 USD trong 6 tháng đầu năm 2017.
Bên cạnh đó, Facebook cũng điều chỉnh thuật toán bảng tin để giáng cấp các tin tức giả mạo. Hồi tháng 6, mạng xã hội trừng phạt những tài khoản đăng khoảng 50 liên kết mỗi ngày vì họ có xu hướng chia sẻ “nội dung giá trị thấp” như tin giả mạo.
Theo ICTNews (nguồn WSJ)