Lỗ hổng đầu tiên nhìn thấy rõ là khâu kiểm soát dịch ở cửa khẩu - cửa ngõ vô cùng quan trọng để ngăn dịch xâm nhập vào nội địa. Rõ ràng là ở vị trí “yết hầu” này, công việc thực hiện còn khá lỏng lẻo. Dường như chưa có biện pháp giám sát hữu hiệu để phát hiện hành khách từng đến vùng dịch, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác khai báo y tế của người nhập cảnh.
Việc bệnh nhân 17 “lọt lưới” kiểm tra được giải thích là do dùng 2 hộ chiếu. Song, việc một số người trước đó đã vượt qua cửa kiểm tra quá dễ dãi lại không thể giải thích được.
Nhà văn Nguyễn Trường nhận xét: “cô NTT đi từ thành phố tâm dịch Daegu (Hàn Quốc) về sân bay Tân Sơn Nhất, qua được cửa kiểm tra vì khai gian là đi từ Busan mà nhân viên kiểm tra cũng tin. Ra ngoài cô liền livestream để khoe cũng là chế nhạo đội ngũ kiếm tra sân bay, mới thấy việc kiểm tra phòng dịch của Tân Sơn Nhất còn rất lỏng lẻo... Cách đây khoảng một tháng, youtuber nổi tiếng Hoàng Nam từ Đài Loan về, anh bị ho, sốt giống triệu chứng của người nhiễm Corona, anh lo lắm cũng livestream cảnh mình đi qua máy tầm nhiệt kiểm tra người từ nước ngoài vào Việt Nam có bị sốt không và anh đã bình luận rằng có vẻ người kiểm tra nhìn đi đâu nên không phát hiện ra anh đang bị sốt. Rõ ràng nhân viên kiểm tra ở sân bay Nội Bài đã lơ là trong khâu phòng dịch. Đến nỗi anh Hoàng Nam phải tự cách ly mình, đến cơ sở y tế để xét nghiệm, may mà anh không sao cả. Thử hỏi nếu anh bị nhiễm Corona rồi lây ra cả Hà Nội thì sân bay Nội Bài nghĩ sao?”
Chưa hết, ngoài cô NTT ở Bình Dương, còn có nam thanh niên ở Gia Lâm (Hà Nội) cũng không hề gặp khó khăn gì khi từ tâm dịch Daegu về qua cửa kiểm tra sân bay. Mới nhất là 2 vợ chồng sống tại chung cư Khang Gia Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) đi du lịch ở Milan (Ý) về, đã lọt qua cửa kiểm tra ở sân bay Tân Sơn Nhất thay vì phải bị cách ly ngay khi vừa đến sân bay. Rồi người đàn ông ở Nghệ An từ vùng dịch ở Nhật về muốn cách ly nên đã khai báo hết nhưng vẫn không được v.v. Những trường hợp này cho thấy việc kiểm dịch tại cửa khẩu đang có lỗ hổng rất nguy hiểm, nhất là khi dịch COVID-19 đã lây lan tới 108 nước.
Thế nhưng, ngay khi có người lên tiếng cảnh báo về lỗ hổng kiểm tra phòng dịch, thì việc khắc phục chỉ là cách ly những người ở vùng dịch về, thay vì nhanh chóng chấn chỉnh khâu kiểm tra ở cửa khẩu, để ngăn dịch một cách thực sự. Vì thế, đã dẫn đến việc để cho cô NHN “lọt lưới", trở thành bệnh nhân Covid-19 thứ 17, mở đầu cho giai đoạn 2 chống dịch rất cam go của cả nước, đẩy chúng ta vào thế “thả gà ra đuổi” như hiện nay, phá hỏng thành quả hơn 20 ngày cả nước gồng mình chống dịch đợt đầu tiên, có trách nhiệm rất lớn của khâu kiểm tra ở cửa khẩu.
Một lỗ hổng nữa đã lộ ra khi bệnh nhân 17 xuất hiện, là công tác ứng phó với dịch ở cơ sở y tế. Việc Bệnh viện (BV) Hồng Ngọc đã không có giải pháp phân luồng, cách ly nào chỉ lộ ra khi cô bệnh nhân 17 đi khám. Mặc dù trước đó, Bộ Y tế đã ra nhiều công văn chỉ đạo các bệnh viện cả công lẫn tư về việc tổ chức phân luồng, phân loại bệnh nhân và bố trí cách ly để ứng phó với dịch, nhưng do không làm theo quy định nên đã có gần 20 nhân viên y tế của bệnh viện này phải cách ly sau khi bệnh nhân 17 được phát hiện.
Hài hước là khi vụ việc vỡ ra, thay vì nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh, thì BV Hồng Ngọc lại lập tức lên tiếng rằng BV “luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng ngừa Covid-19, đã bố trí khu vực khám cách ly dành cho các bệnh nhân có dấu hiệu viêm đường hô hấp”.
Để rồi, Bộ Y tế đã phải phê bình BV này và chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ: BV Hồng Ngọc không chấp hành hướng dẫn của Bộ Y tế khi không có quy trình và thiếu ý thức trách nhiệm. Quy định phải có khu khám riêng nhưng BV không có nên chỉ trong hơn 1 tiếng đã có gần 20 y, bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân 17. Một ngày sau, bác sĩ đã khám cho bệnh nhân 17 lại tiếp tục khám cho người bệnh khác.
Không chỉ BV Hồng Ngọc, vào những ngày này, mặc dù dịch COVID-19 đang rất nóng, nhưng ở một số phòng khám tư mà chúng tôi đến, cũng không có khu khám riêng cho bệnh nhân có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp, nên việc các bệnh nhân vẫn đi chung thang máy, ngồi chung ở sảnh chờ; thang máy không có nước rửa tay khô v.v. vẫn diễn ra.
Thiết nghĩ, từ vụ BV Hồng Ngọc không tuân thủ chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế cần phải tăng cường kiểm tra việc tổ chức phân luồng, cách ly ở các BV, nhất là cơ sở y tế tư nhân, nếu không, chỉ cần một cơ sở nữa như Hồng Ngọc, là có thể tạo nên những lỗ hổng “phá toang đê vỡ”!