Chính phủ ban hành Nghị định riêng về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng

VietTimes -- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 142/2016/NĐ-CP quy định nguyên tắc, nội dung, biện pháp, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị định nêu rõ, ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng là việc thực hiện các biện pháp công nghệ, kỹ thuật để giám sát, phát hiện, cảnh báo, xác định nguồn gốc, chặn lọc, khắc phục và loại trừ xung đột thông tin trên mạng.

Cơ quan nghiệp vụ ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng là các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng (sau đây viết gọn là cơ quan nghiệp vụ).

Có 4 nội dung ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng gồm: Giám sát, phát hiện, cảnh báo xung đột thông tin trên mạng; Xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng; Chặn lọc, khắc phục và loại trừ xung đột thông tin trên mạng; Thông tin, tuyên truyền, giáo dục và hợp tác quốc tế về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.

Trong đó, hoạt động giám sát, phát hiện, cảnh báo xung đột thông tin trên mạng phải được cơ quan nghiệp vụ và chủ quản hệ thống thông tin thực hiện thường xuyên, liên tục. Các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, các cổng kết nối quốc tế phải được triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện và cảnh báo xung đột thông tin trên mạng.

Các cơ quan nghiệp vụ xác định nguồn gốc, thủ đoạn và tổn thất do xung đột thông tin gây ra để có biện pháp xử lý phù hợp. Nội dung xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng bao gồm xác định gói tin, thông tin, địa chỉ nguồn, địa chỉ đích, cổng dịch vụ và cách thức, thủ đoạn xung đột thông tin trên mạng; xác định đối tượng, mục đích và mức độ gây xung đột.

Chủ quản hệ thống thông tin chịu trách nhiệm trong việc tổ chức khắc phục xung đột thông tin trên mạng thuộc phạm vi quản lý và chịu sự điều hành của cơ quan nghiệp vụ trong việc tổ chức khắc phục xung đột thông tin trên mạng.

Các cơ quan nghiệp vụ chịu trách nhiệm loại trừ xung đột thông tin trên mạng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ để loại trừ xung đột thông tin trên mạng.

Đây là 1 trong 7 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thông tin mạng.