Đó là thông tin được ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) trao đổi tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Quý III/2016 của Bộ TT&TT vừa diễn ra chiều qua (5/10).
Các nhà mạng và các Công ty "nợ" văn bản trả lời
“Ngay sau khi có văn bản trả lời của các nhà mạng và các Công ty, Cục PTTH&TTĐT và Cục Viễn thông sẽ tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ”, ông Thanh Lâm nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, đối với việc xem xét trách nhiệm của các bên trong vụ sai phạm của Công ty Sam Media, ngay sau khi Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội tiến hành thanh tra và có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Sam Media, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục PTTH&TTĐT và Cục Viễn thông bàn bạc phương án tăng cường quản lý, đồng thời tiếp tục làm rõ, phân định trách nhiệm của các bên, trách nhiệm của công ty cũng như các nhà mạng.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo Cục PTTH&TTĐT và Cục Viễn thông chuẩn bị các nội dung thông tin để cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng.
Các nhà mạng Viettel,MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đều cho biết đã chấm dứt hoặc tạm ngừng hợp tác với 3 CP của Việt Nam là đối tác của Sam Media. Nội dung về việc xử lý các CP sai phạm thời gian vừa qua đã được Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải báo cáo tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước Quý III/2016 của Bộ TT&TT: “Vừa qua, MobiFone đã kiên quyết xử lý, dừng hợp đồng với 23 CP có hành vi sai phạm. Hiện MobiFone đang tiến hành rà soát để xử lý tiếp các CP có vi phạm”.
Theo ông Cao Duy Hải, việc quản lý các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) hiện đang được MobiFone xác định là công tác trọng tâm.
“MobiFone một mặt đang thắt chặt các cơ chế, biện pháp để quản lý, song cũng đề nghị có nghị định để tăng cường quản lý nội dung này. Liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ GTGT, hiện có 2 văn bản là Thông tư 25 (Thông tư ngày 9/9/2015 của Bộ TT&TT quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông - PV) và Thông tư 17 (Thông tư ngày 28/6/2016 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động - PV).
Hiện nay, MobiFone đã xử lý các CP trên phương diện hợp đồng kinh tế; còn về mặt pháp lý đang rất phức tạp. Đề nghị Bộ TT&TT khi có CP vi phạm thì cũng cần có các biện pháp xử lý như rút giấy phép, thu hồi đầu số”, ông Hải kiến nghị.
Sửa VBQPPL vì quyền lợi của DN
Đề cập đến kiến nghị của MobiFone, đại diện lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cho biết, việc sửa 2 Thông tư 17 và 25 là nhu cầu thực tế và cũng là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn. Cục Viễn thông và Cục PTTH&TTĐT đã có 2 cuộc họp trao đổi, bàn bạc về nội dung này. Trong đó, cuộc họp thứ 2 có sự tham gia của Vụ Pháp chế, giải pháp được đưa ra là sẽ trình lãnh đạo Bộ một Thông tư mới điều chỉnh một số nội dung trong cả 2 văn bản nêu trên nhằm xử lý các vấn đề hậu Sam Media.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giao Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì chỉ đạo các đơn vị sửa gấp các Thông tư 25 và 17. “Tránh để việc ban hành ra các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Bởi lẽ, chủ trương của Chính phủ là phải tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động”, Bộ trưởng nói.
Cùng với việc chỉ rõ, một trong những tồn tại, hạn chế của công tác quản lý nhà nước lĩnh vực TT&TT quý III/2016 là việc một số mạng di động có hành vi tích hợp dịch vụ nội dung sẵn trên SIM di động một cách mập mờ, gây thiệt hại cho khách hàng, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông rà soát lại các hoạt động quản lý cấp, thu hồi giấy phép và có báo cáo tổng thể về tình hình, định hướng triển khai các nội dung này lên lãnh đạo Bộ. Đảm bảo việc đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ tăng cường kiểm tra việc kinh doanh các dịch vụ nội dung tích hợp sẵn trên SIM di động của các nhà mạng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông rà soát lại việc kinh doanh các dịch vụ nội dung tích hợp sẵn trên SIM di động của các nhà mạng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây không chỉ là trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông. Các doanh nghiệp cũng cần tổ chức các buổi làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để giải thích rõ các vấn đề này”.
Vào ngày 19/9/2016 vừa qua, Sở TT&TT Hà Nội đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Sam Media (trụ sở tại Hồng Kông - Trung Quốc) có văn phòng đại diện tại Hà Nội, với tổng số tiền 55 triệu đồng do đã có các hành vi sai phạm trong cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông.
Cụ thể, Sam Media kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, quảng cáo khuyến mại trúng thưởng máy điện thoại, máy tính bảng, thẻ điện thoại… trên mạng Internet để kích thích sự hấp dẫn của các giải thưởng vật chất. Phần trên của giao diện màn hình là các khối hình minh họa và nội dung về các ưu điểm của dịch vụ, thông tin về các giải thưởng, mã lệnh đăng ký dịch vụ, hướng dẫn nhập mã đăng ký dịch vụ có kích thước và cỡ chữ rất lớn. Đáng chú ý, nội dung về thể lệ của chương trình khuyến mại, cách hủy dịch vụ, số điện thoại hỗ trợ khách hàng và giá cước của dịch vụ được bố trí dưới chân màn hình với cỡ chữ nhỏ hơn nhiều so với phần trên.
Nhiều khách hàng của Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile do không biết mình đang dùng dịch vụ của Sam Media hợp tác với 3 công ty Việt Nam cung cấp nên đã bị mất số tiền gần 230,5 tỷ đồng trong thời gian hơn 3 năm, từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016.