Chủ nhà Brazil vẫn đang hiếu khách, nhưng nếu các cầu thủ trẻ Nhật Bản xách va ly lên đường về nước sớm thì chỉ còn biết tự trách mình mà thôi. Những cuộc đụng độ cho thấy bóng đá Nam Mỹ vẫn ở tầm cao hơn nhiều các đội bóng xuất sắc của châu Á.
Chân dung khách mời
Nhật Bản là một trong nền bóng đá mạnh nhất châu Á, khi đã có 6 lần liên tiếp gần đây tham dự Giải bóng đá vô địch thế giới trong đó có 3 lần lọt vào vòng 2 các năm 2002 và 2010 và 2018. Đội tuyển xứ Mặt trời mọc cũng đang giữ kỷ lục vô địch Cúp bóng đá châu Ávới 4 lần vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011.
Eduardo Vargas tỏa sáng với cú đúp vào lưới Nhật Bản trong chiến thắng 4-0. Ảnh: AP
|
Đây là lần thứ 2, sau 20 năm họ lại trở lại Nam Mỹ tham dự Copa America với tư cách là khách mời. Nhật Bản mang tới Brazil lần này tới 17 cầu thủ chưa từng khoác áo ĐTQG. Đơn giản là họ muốn cho các cầu thủ trẻ cơ hội cọ xát trước Olympic 2020 được tổ chức ngay trên quê nhà vào năm sau.
Nằm ở bảng C, gồm Chile, Uruguay, Ecuador gồm những cái tên không mấy xa lạ với người hâm mộ Việt Nam và thế giới. Nhiệm vụ của các hiệp sĩ Samurai trẻ là có được bàn thắng hơn là nghĩ đến điều gì đó xa xôi. Nhất là khi Qatar, một khách mời khác cũng đến từ châu Á đã có được trận hòa 2-2 với Paraguay.
Những khuôn mặt gạo cội
Đối thủ trong ngày đầu ra quân là nhà đương kim vô địch Chile, ứng viên vô địch thứ 5 tại Copa America lần này. Ai cũng biết ĐT Chile thực tế đã sa sút rất nhiều so với tập thể 2 năm liên tiếp vô địch Copa America (2015 và 2016). Thậm chí họ còn không giành nổi vé dự World Cup 2018.
Kể từ sau khi tuột tấm vé dự World Cup đến trước thềm Copa America 2019, Chile đã đá giao hữu với tận 13 đối thủ nhưng cũng chỉ thắng vỏn vẹn 5 trận. Trong 2 năm trở lại đây, Chile từng thua xấu mặt trước những đối thủ về lý thuyết là yếu hơn họ rất nhiều như Mexico, Peru, Costa Rica, Romania.
Chile đến với Copa lần này với dàn cầu thủ gần như y hệt 2 năm về trước. Ảnh AP
|
2 năm trôi qua, bóng đá Chile ì ạch, không giới thiệu được bất cứ khuôn mặt mới nào cả. Vì thế dễ hiểu khi họ đến với Copa lần này với dàn cầu thủ gần như y hệt 2 năm về trước. Chúng tôi vẫn thấy trên màn hình là những cái tên cũ kỹ như Alexis Sánchez, Arturo Vidal, Charles Aránguiz, Eduardo Vargas, Gary Medel…
Đội hình cũ, lối chơi cũ, nhưng chất lượng các ngôi sao trong đội hình Chile thì đã giảm sút rất nhiều. Ngôi sao Sanchez đang đá cho MU là điển hình nhất cho một Chile già nua. Tiền đạo Sanchez kiếm về tới 33,5 triệu bảng tiền lương từ Quỷ đỏ nhưng đóng góp vô cùng tồi tệ, bị giới chuyên môn Anh đánh giá là bản hợp đồng thất bại nhất trong lịch sử Man United. Đúng nghĩa “ngồi mát, ăn bát vàng”.
Nhật Bản mang tới Copa dàn cầu thủ hoàn toàn mới so với VCK World Cup 2018 trên đất Nga vừa qua. Theo thống kế của chúng tôi, có tới 17 cầu thủ Nhật thậm chí còn chưa từng khoác áo tuyển một lần nào. Cái tên quen thuộc nhất của Nhật tại giải lần này chỉ là tiền đạo Shinji Okazaki. Họ muốn dùng giải đấu như dịp thử nghiệm để sớm trình làng thế hệ mới kế cận cho những Maya Yoshida, Yuto Nagatomo, Shinji Kagawa… Thực tế, các Samurai trẻ đã xông lên như một võ sĩ lần đầu ra trận, không hề biết sợ hãi.
Đẳng cấp vượt trội
Vào trận, một bên là sức trẻ Nhật Bản và bên kia là dàn sao đầy kinh nghiệm chinh chiến sân cỏ châu Âu của Chile, cả hai chơi đều đôi công, ăn miếng trả miếng. HLV Moriyasu đội tuyển Nhật Bản Hajime 51 tuổi quyết định để tân binh của Real là “thần đồng” Kubo đá cặp với A. Ueda trên hàng công trong sơ đồ 4-4-2, thực tế chân sút trẻ này cũng thi đấu không tồi nhưng họ toàn "biến bàn thắng thành cơ hội", phung phí quá nhiều tình huống ngon ăn.
Trong khi đó, như thường lệ Chile chơi với sơ đồ 4-3-3 và Sanchez, Vargas, Fuenzalida trong đó Sanchez đá cánh trái, đá trung phong cắm Vargas, còn cánh phải là Fuenzalida. Tiền vệ Pulgar chơi hộ công ngay sau lưng 3 tiền đạo. Đẳng cấp và kinh nghiệm là cái người ta thấy rõ nhất, khi bế tắc thì Chile lại chuyển sang chơi bóng theo kiểu Anh truyền thống là tạt cánh - đánh đầu nhưng Alexis Sanchez hay Eduardo Vargas đều không sở hữu chiều cao lý tưởng để thực hiện cách chơi này.
Tưởng chừng hai đội sẽ kết thúc hiệp đấu với kết quả 0-0 thì xuất phát từ pha đá phạt của Charles Aránguiz, Erick Pulgar - cầu thủ đang khoác áo Bologna bật cao đánh đầu mở tỷ số cho Chile ở phút 41. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất của 2 đội bóng trong trận đấu này, thể hiện đẳng cấp của cá nhân.
HLV Moriyasu mang đến giải đấu đội hình "U23+5" với nhiều cầu thủ chưa từng đá ĐTQG. Ảnh AP.
|
Việc khó nhất là bàn thắng khai thông bế tắc đã xong thì việc Chile liên tiếp có thêm 3 bàn thắng vào lưới thủ môn Osako là việc ai cũng có thể đoán ra. Nhật Bản đẩy cao đội hình hòng tìm kiếm bàn gỡ hòa thì cũng là lúc các chân sút áo đỏ biểu diễn phẩm chất kỹ thuật.
Bàn thắng của Vargas đã nâng tỷ số lên 2-0 cho Chile ở phút 54 có chút may mắn bởi sau tình huống dứt điểm bên ngoài vòng 16m50 chạm chân Tomiyasu, đổi hướng làm bó tay thủ thành Osako.
Việc Chile có thêm 2 bàn thắng nhờ công Sanchez (82') và Vargas (83') sau khi các cầu thủ trẻ Nhật Bản bỏ lỡ vài cơ hội chỉ nói lên Copa America là sân chơi ngoài tầm của Nhật Bản. Sanchez không cao nhưng vẫn ghi bàn bằng đầu vì người chuyền bóng quá hoàn hảo, còn cú vẩy má ngoài của Vargas đáng đưa vào sách giáo khoa bóng đá.
Thắng chung cuộc 4-0, Chile tạm vượt qua Uruguay để vươn lên dẫn đầu bảng C với 3 điểm dù có cùng hiệu số. Trong khi đó, cơ hội đi tiếp của Nhật Bản sau trận thua đậm này trở nên hẹp lại đáng kể, kể cả việc lọt vào danh sách vé vớt của đội bóng đứng thứ 3 có thành tích tốt.
Tỷ số: 4-0 (nghiêng về Chi Lê)
ĐỘI HÌNH THI ĐẤU
Nhật Bản: Osako, N.Ueda, Nakayama, Tomiyasu, Sugioka, Shibasaki, Nakajima (Miyoshi 66'), Hara, Kubo, Maeda, A. Ueda (Okazaki 79').
Chile: Arias, Isla, Medel, Maripan, Vidal (Hernandez 78'), Fuenzalida, Aránguiz, Beausejour, Pulgar, Sanchez, Vargas.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu