Chiến đấu cơ Rafale Pháp tới Việt Nam, báo Trung Quốc bàn ra tán vào

VietTimes -- Sina Trung Quốc vô cớ đưa ra đối tượng giả định nhằm vào của không quân Việt Nam và bàn tán về khả năng Việt Nam mua sắm máy bay chiến đấu của Âu - Mỹ để tăng cường năng lực đối kháng.
Ba máy bay chiến đấu Rafale Pháp thăm Việt Nam. Ảnh: Haiwainet.
Ba máy bay chiến đấu Rafale Pháp thăm Việt Nam. Ảnh: Haiwainet.

Gần đây, sau khi kết thúc cuộc tập trận trên không liên hợp đa quốc gia ở Australia, 3 máy bay chiến đấu Rafale của không quân Pháp đã mang theo thùng dầu phụ và máy bay bảo đảm tiến hành thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ.
Đáng chú ý, từ ngày 26 - 29/8, tốp máy bay chiến đấu Rafale tiên tiến nhất của Pháp này đã có chuyến thăm lịch sử tới Hà Nội, Việt Nam. Pháp cử tổng cộng 100 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật tham gia hoạt động lần này.
Khi đến Hà Nội, các máy bay chiến đấu Rafale Pháp chỉ mang theo tên lửa không đối không cự ly trung bình và ngắn, treo ở giá tại hai đầu cánh của máy bay chiến đấu. Mỗi máy bay chiến đấu Rafale còn mang theo 3 thùng dầu phụ cỡ lớn, giúp cho tầm hoạt động của máy bay chiến đấu này đạt 3.000 km.
Đây là lần đầu tiên lực lượng máy bay chiến đấu không quân Pháp thăm riêng Việt Nam trong hơn 60 năm qua. Hoạt động thăm viếng do máy bay chiến đấu Rafale đóng vai trò chính này là để chúc mừng tròn 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và tròn 5 năm thiết lập quan hệ chiến lược song phương.

Máy bay chiến đấu Rafale Pháp thăm Việt Nam. Ảnh: Haiwainet.
Máy bay chiến đấu Rafale Pháp thăm Việt Nam. Ảnh: Haiwainet.

Đánh giá về hoạt động thăm viếng của các máy bay chiến đấu Rafale Pháp, trang tin Sina Trung Quốc ngày 30/8 cho rằng, bề ngoài của chuyến thăm là giao lưu hữu nghị, nhưng tính toán đằng sau của phía Pháp chính là thúc đẩy xuất khẩu vũ khí. Trong đó, Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng, do thực lực không quân của các nước xung quanh tăng mạnh.
Máy bay chiến đấu Rafale là loại máy bay chiến đấu xuất sắc hiện có, trừ máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Sina đặt câu hỏi: Việt Nam liệu có muốn mua loại máy bay chiến đấu này hay không?
Theo Sina, trong việc lựa chọn mua sắm máy bay chiến đấu chủ lực, không quân một nước ngoài việc xem xét khả năng kinh phí, khả năng bảo trì, bảo đảm, còn phải tính toán nhiều hơn đến việc xác định đối thủ nhằm vào, trong đó không quân Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Bài viết của Sina Trung Quốc vô cớ đặt ra giả thiết đối tượng ứng phó của không quân Việt Nam là không quân hai nước láng giềng, một là không quân Trung Quốc, hai là không quân Thái Lan. Đồng thời, cho rằng không quân của Chiến khu Nam, quân đội Trung Quốc vượt trội so với không quân Việt Nam, còn không quân Thái Lan (38 máy bay chiến đấu F-16 và 11 máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen) đủ sức chống đỡ không quân Việt Nam.

Máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen của không quân Thụy Điển. Ảnh: Huanqiu.
Máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen của không quân Thụy Điển. Ảnh: Huanqiu.

Theo Sina, đối với không quân Việt Nam, ban đầu lựa chọn mua sắm các máy bay chiến đấu Su-27 (11 chiếc) và Su-30 (36 chiếc) một mặt là xuất phát từ mục đích tìm hiểu hai loại máy bay chiến đấu tiên tiến tương tự đang phục vụ trong không quân Trung Quốc, mặt khác là để bù lấp khoảng cách với không quân Thái Lan.
Sina Trung Quốc võ đoán cho rằng không quân Việt Nam dựa vào bán kính tác chiến và lượng tải đạn tương đối lớn của máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 để áp chế phi đội máy bay chiến đấu F-16 của không quân Thái Lan. Điều này cũng đã làm cho không quân Thái Lan hạ quyết tâm nhập khẩu máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen của Thụy Điển, đồng thời mời không quân Trung Quốc điều máy bay chiến đấu Su-27 đến tiến hành diễn tập đối kháng mô phỏng nhằm tìm hiểu tính năng trang bị cùng loại của không quân Việt Nam.
Sina tự tin cho rằng vài chục chiếc máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 của không quân Việt Nam không có bất cứ ưu thế gì khi đối đầu với không quân Trung Quốc. Nhất là khi không quân Trung Quốc nắm chắc hơn tính năng của hai loại máy bay chiến đấu này.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Có tin cho biết không quân Việt Nam đã quan tâm đến nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-35 tiên tiến hơn của Nga. Nhưng Sina Trung Quốc qua nắm các nguồn tin cho rằng Việt Nam hoàn toàn không đưa ra yêu cầu chính thức đối với Nga về vấn đề này.
Sina chủ quan nhận định rằng cùng với việc Trung Quốc trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của máy bay chiến đấu Su-35, Việt Nam có lẽ đã bắt đầu chú ý đến mua sắm các máy bay chiến đấu của Mỹ và châu Âu, trong đó máy bay chiến đấu Rafale là một loại máy bay chiến đấu xuất sắc.
Việt  Nam từng là thuộc địa của Pháp trong thời gian dài, hơn nữa còn tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm sau khi giành được độc lập. Do đó, những dấu ấn sâu sắc của văn hóa Pháp tại Việt Nam hoàn toàn không mất đi một cách dễ dàng.
Vì vậy, điều này cũng đã trở thành cơ hội để không quân Pháp cử nhiều máy bay quân sự đến Việt Nam tổ chức hoạt động kỷ niệm lần này. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để không quân Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với máy bay chiến đấu Rafale Pháp.

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao.

Tính năng của máy bay chiến đấu Rafale Pháp thực sự đáng chú ý, nhưng giá thành đắt đỏ đã làm cho máy bay chiến đấu này trở thành một loại máy bay có số lượng đơn đặt hàng ít nhất trong “tam kiếm khách châu Âu”. Không quân Việt Nam cũng đối mặt với vấn đề gai góc này.
Đơn giá máy bay chiến đấu Rafale do không quân Pháp đặt mua đã gần 80 triệu Euro, còn chưa nói tới giá trên trời 101,1 triệu Euro của phiên bản F3+ mới nhất mà công ty Dassault đưa ra, đắt hơn cả máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ. Không quân Việt Nam rõ ràng không thể gánh được khoản kinh phí như vậy.
Báo Trung Quốc đoán già đoán non rằng cho dù hai nước có đạt được hợp đồng mua sắm trong năm nay, đơn đặt hàng của không quân Việt Nam cũng sẽ xếp sau Ai Cập, Qatar và Ấn Độ. Do đó trong 10 năm tới Việt Nam cũng không được bàn giao máy bay thật.
Sina còn dựng ra giả thiết rằng, do không quân Trung Quốc đã bắt đầu trang bị hàng loạt máy bay chiến đấu tàng hình J-20, không quân Việt Nam mua sắm máy bay chiến đấu Rafale để chống lại là phí công vô ích.
Trong chuyến thăm Việt Nam, ngoài 3 máy bay chiến đấu Rafale, còn có 1 máy bay tiếp dầu C-135FR và 1 máy bay chở khách A310. Hiện nay, không quân Việt Nam cũng chưa có máy bay tiếp dầu trên không và máy bay vận tải cỡ lớn.
Vì vậy, không loại trừ người Pháp tận dụng cơ hội này để chào bán các máy bay tiếp dầu A310 và A400M cho không quân Việt Nam. Dù sao, Pháp cũng có thể hiểu được Việt Nam căn bản không có nhiều kinh phí để mua sắm máy bay chiến đấu Rafale – Sina Trung Quốc chủ quan kết luận.

Biên đội máy bay chiến đấu F-35 của không quân Mỹ - Australia. Ảnh: Huanqiu.
Biên đội máy bay chiến đấu F-35 của không quân Mỹ - Australia. Ảnh: Huanqiu.

Sina Trung Quốc ngày 29/8 còn cho rằng đối phó với máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc, nếu điều kiện tài chính cho phép thì sự lựa chọn duy nhất cho Việt Nam là mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ.