Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017. Hội nghị do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức.
Theo báo cáo, đây là năm thứ sáu triển khai công tác xác định kết quả triển khai cải cách hành chính (CCHC) thông qua công cụ đánh giá, đo lường và xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số cải cách hành chính tiếp tục khẳng định qua thực tiễn là công cụ quản lý mới trong triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Kết quả Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2017 của các bộ, ngành được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả từ 80% trở lên, bao gồm 12 bộ, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đạt chỉ số cao nhất với 92,36%. Bộ TT&TT đã xếp thứ hai, đạt chỉ số 86,13%. Ngoài ra, kết quả điểm số và Chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của các bộ, cơ quan ngang Bộ của Bộ TT&TT còn đạt 11,50 điềm (điểm tối đa là 12) và 95,83%. Tiếp theo đó lần lượt là: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Để cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công, quá trình xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử được xác định luôn gắn liền với việc ứng dụng CNTT. Về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT, hiện có trên 200 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ.
Mục tiêu của hoạt động này là theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, thực chất, khách quan, công bằng kết quả việc triển khai CCHC hằng năm của các bộ, ngành, địa phương. Thông qua Chỉ số CCHC xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện CCHC của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nội dung CCHC. Việc đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ CCHC bằng định lượng, trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện CCHC hằng năm giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau. Và kết quả được công bố đã cho thấy những nỗ lực của các bộ, ngành nói chung và đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông nói chung trong việc cải cách hành chính.
Để cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công, quá trình xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử được xác định luôn gắn liền với việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Được biết, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tổ chức hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước.
Bộ TT&TT đã tổ chức hướng dẫn các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ cao giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) hiệu quả hơn. Hiện các bộ, ngành đã cung cấp hơn 900 DVC trực tuyến mức độ 3, 4; các tỉnh/thành phố cung cấp gần 14.000 DVC trực tuyến mức độ 3, 4. Một số DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã đem lại hiệu quả cao như lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến, ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 ngàn hồ sơ trực tuyến, Bộ Tư pháp trên 258 ngàn hồ sơ trực tuyến.
Ngoài các thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, còn lại hầu hết các thủ tục hành chính đều có thể cung cấp thông tin, mẫu biểu hồ sơ liên quan trên mạng để người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, tải xuống để chuẩn bị trước khi thực hiện các TTHC (đạt mức độ 1, mức độ 2).
Đặc biệt, tháng 8/2017, Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ đã ký kết Chương trình phối hợp thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính giai đoạn 2017 - 2020, nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính hiện đại. Căn cứ chương trình phối hợp này, các đơn vị liên quan về ứng dụng CNTT và cải cách hành chính của các Bộ, ngành, các Sở Nội vụ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên cả nước có căn cứ để xây dựng ban hành các chương trình phối hợp, thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương. Các chương trình phối hợp sẽ góp phần thúc đẩy gắn kết hoạt động ứng dụng CNTT với cải cách hành chính trên phạm vi toàn quốc để xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước…
Được biết, về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT, hiện có trên 200 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ. Thông tin về tất cả các thủ tục hành chính này đã được đưa lên địa chỉ https://dvc.mic.gov.vn/Pages/trangchu.aspx, tương ứng với trên 200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Trong số này, có 38 dịch vụ công đã được triển khai ở mức độ 3 và 4.
Bộ TT&TT hiện có 6 hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Cổng thông tin của các đơn vị như: Cục Tần số Vô tuyến điện; Cục Viễn thông; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Tin học hóa; VNNIC. Trong đó, các hệ thống dịch vụ công của Cục Tần số Vô tuyến điện, VNNIC đang hoạt động ổn định, có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn.
Theo VnMedia
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu