Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương ngày 21/6 cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 52 tuổi trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Đào Hữu Ghi - Trưởng khoa Bệnh da nam giới của Bệnh viện – cho biết, trước đó 2 tuần, bệnh nhân đã được kê thuốc allopurinol để điều trị bệnh gout. Tuy nhiên, sau 2 tuần, thuốc này gây dị ứng, khiến người đàn ông phải chịu những tổn thương ở khắp cơ thể, có ban đỏ và bọng nước rải rác toàn thân, trợt da chiếm tới gần 60% diện tích cơ thể, tổn thương kết mạc mắt, niêm mạc miệng, sinh dục, sốt cao 39 độ C.
Bác sĩ Đào Hữu Ghi cho hay, người đàn ông này đã bị dị ứng thuốc thể nặng (Hội chứng Lyell) nguy hiểm tới tính mạng, nguyên nhân là do sử dụng thuốc allopurinol điều trị gout. Vì vậy, bệnh nhân phải nhập viện và được điều trị tích cực trong suốt 1 tháng.
Sau hơn 30 ngày nằm viện, bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện.
Từ trường hợp của người đàn ông nói trên, bác sĩ Đào Hữu Ghi cảnh báo người dân hết sức thận trọng trước khi sử dụng thuốc.
Bác sĩ Ghi cũng thông tin thêm: Hội chứng Lyell hay còn gọi là bệnh hoại tử thượng bì nhiễm độc. Khi mắc, người bệnh sẽ bị hoại tử ở lớp biểu bì (lớp trên cùng của da) và sau đó trợt loét vùng da này.
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương
|
Bên cạnh đó, cơ thể xuất hiện những triệu chứng báo hiệu như: sốt cao, mệt mỏi toàn thân, đau khớp, rát ở kết mạc, đau ở da trong một vài giờ cho đến một hoặc hai ngày sau thì xuất hiện các ban đỏ ngoài da.
Thương tổn xuất hiện thành từng đám đỏ, đôi khi trên các đám đỏ có những mụn nước liên kết lại, lan tỏa với các mảng trợt da rộng, chiếm trên 30% diện tích của cơ thể, có trường hợp nặng có thể trợt da toàn bộ cơ thể.
Ngoài tổn thương trên da, bệnh nhân còn có các tổn thương vùng kết mạc mắt, có nguy cơ dẫn đến suy giảm thị lực; tổn thương niêm mạc môi, miệng gây đau khiến bệnh nhân không ăn uống được dẫn tới cơ thể suy kiệt và niêm mạc vùng sinh dục.
Khi tổn thương da trợt rộng, người bệnh cảm thấy toàn thân nặng nề, thậm chí bệnh có thể trở nặng hơn: nhiễm trùng bội nhiễm gây sốt cao, mất nước điện giải, bệnh nhân nằm nhiều tăng nguy cơ viêm phổi bội nhiễm, tổn thương các cơ quan gan, thận.
Bệnh thường gặp ở những bệnh nhân có từng dùng thuốc trước đó từ 1 đến 4 tuần. Tiên lượng của bệnh rất nặng, tử vong chiếm tỉ lệ cao, ở Việt Nam có khoảng hơn 50% bệnh nhân mắc bệnh đã thiệt mạng.
Vì bệnh rất nặng, nên bác sĩ Đào Hữu Ghi khuyến cáo, người dân ngừng uống các thuốc nghi ngờ gây dị ứng ngay khi cơ thể có biểu hiện bất thường.
Trong trường hợp không xác định được chính xác loại thuốc gây dị ứng, người bệnh nên tạm dừng tất cả các thuốc đang uống và phải tới ngay cơ sở y tế để điều trị, đặc biệt là những bệnh viện có khoa da liễu hay bệnh viện da liễu để được dùng thuốc và chăm sóc tốt nhất.
Bên cạnh đó, người bệnh cần dùng và tuân thủ tuyệt đối theo đơn thuốc của bác sỹ, không tự ý dùng thuốc.
Khi đã có tiền sử dị ứng thuốc, người bệnh nên trang bị 1 quyển sổ theo dõi ghi lại các thuốc nghi ngờ, hay đã biết chắc chắn gây dị ứng, để sử dụng trong trường hợp cần dùng thuốc tiếp theo, hoặc thông báo cho bác sĩ và dược sĩ biết về loại thuốc gây dị ứng và mức độ dị ứng với thuốc.