Chuyện cảm động về những cặp đôi ở trai phong Quỳnh Lập

VietTimes -- Trung tâm điều trị - phục hồi chức năng bệnh phong Quỳnh Lập (Nghệ An) là mái ấm của gần 200 bệnh nhân phong cùi. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, phải rời bỏ quê hương của mình để tới đây xây dựng cuộc sống, dùng tình thương nâng đỡ nhau vượt qua những tháng ngày gian khó.
Trung tâm điều trị - phục hồi chức năng bệnh phong Quỳnh Lập (Nghệ An), hay còn được biết đến với cái tên Trại phong Quỳnh Lập.
Trung tâm điều trị - phục hồi chức năng bệnh phong Quỳnh Lập (Nghệ An), hay còn được biết đến với cái tên Trại phong Quỳnh Lập.

Một mái ấm thứ hai

Bệnh phong cùi (hủi) từng được xếp vào “tứ chứng nan y”, là nỗi kinh khiếp của biết bao nhiêu người. Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh phong đã được kiểm soát và loại bỏ tại Việt Nam và nhiều nước.

Căn bệnh quái ác khiến các bệnh nhân bị hoạt tử, phải vệ sinh bàn chân mỗi ngày.
Căn bệnh quái ác khiến các bệnh nhân bị hoạt tử, phải vệ sinh bàn chân mỗi ngày.

Song, dù y học có phát triển đến đâu thì virus Hansen gây bệnh phong vẫn tồn tại, ăn mòn da thịt, dẫn đến hoại tử, rụng dần ngón chân, tay, co quắp cơ khớp, khiến người bệnh bị liệt. Gần 200 bệnh nhân phong tại Trung tâm điều trị - phục hồi chức năng bệnh phong Quỳnh Lập đang phải chịu hoàn cảnh khổ sở như thế. Đa số các bệnh nhân là người già, tuổi cao sức yếu. Nhưng, chính ở nơi có nghịch cảnh, tình thương, tình người mới tỏa sáng.

Vừa bước chân tới nơi ở của các bệnh nhân phong, chúng tôi bắt gặp một chàng trai khỏe mạnh đang thoăn thoắt xách những xô nước lớn cho các cụ già. Dù các ngón tay đã co cứng, bàn tay đã mất cảm giác, không còn hoạt động bình thường giống như bao người, nhưng anh chẳng ngại khó khăn, ai nhờ vả việc gì đều nở nụ cười vui vẻ, nhiệt tình bắt tay vào việc ngay. Chàng trai đó là Nguyễn Văn Lâm (41 tuổi, quê Hà Tĩnh).

Anh Nguyễn Văn Lâm, một cư dân sinh sống tại Trung tâm từ năm 2004
Anh Nguyễn Văn Lâm, một cư dân sinh sống tại Trung tâm từ năm 2004

Lâm là một trong những bệnh nhân trẻ nhất tại đây. Lâm từng lấy vợ, từng có kế hoạch xây dựng tổ ấm tại quê nhà. Nhưng có nằm mơ, một chàng trai mới ngoài 20 tuổi cũng không thể nghĩ rằng mình sẽ mắc bệnh phong, khiến tay chân cứ thế dần cứng lại, rồi mất cảm giác, không thể làm việc, làm công ăn lương. Rồi vợ anh bỏ đi vì không chịu nổi những định kiến, nỗi vất vả khi phải chăm sóc người chồng bệnh tật. Cực chẳng đã, Lâm bỏ quê, bỏ làng, tới Trung tâm vào năm 2004 với niềm quyết tâm xây dựng một cuộc đời mới.

Ở Trung tâm điều trị - phục hồi chức năng bệnh phong, đa số bệnh nhân là người già neo đơn.
Ở Trung tâm điều trị - phục hồi chức năng bệnh phong, đa số bệnh nhân là người già neo đơn.

Anh tâm sự, khi sống ở đây lâu, mọi nỗi đau buồn trong quá khứ cũng dần nguôi ngoai. Ở Trung tâm, mọi người coi nhau như người thân trong gia đình, là anh em trong một nhà, rất đoàn kết và giúp đỡ nhau. Thi thoảng có món quà, tấm bánh của người nhà ở xa biếu, họ đem chia cho nhau, của ít nhưng lòng nhiều.

Nơi tình yêu nảy nở

Tuy ở Trung tâm có nhiều người già neo đơn, không nơi nương tựa và phải sinh sống nhờ vào sự chu cấp của Nhà nước và các tổ chức từ thiện, nhưng không vì vậy mà không khí trở nên u ám, nặng nề mà ngược lại rất bình yên, vui vẻ. Khi tới nơi đây, các bệnh nhân phong không còn cảm thấy lạc lõng, bị kỳ thị, thậm chí họ còn tìm thấy tình yêu, niềm hạnh phúc.

Dù mắc bệnh, cơ thể khó chịu, dần mất cảm giác song các bệnh nhân phong luôn nở nụ cười vui vẻ
Dù mắc bệnh, cơ thể khó chịu, dần mất cảm giác song các bệnh nhân phong luôn nở nụ cười vui vẻ 

Chính tại nơi từng là nỗi kinh khiếp của biết bao người, tình yêu đã nảy nở. Ông Phạm Văn Cam và bà Hoàng Thị Xuân là một trong những người như thế. Ông Cam là người Hà Nội gốc, mắc bệnh khi mới ngoài 30, liệt nửa người. Ông tới Trung tâm từ năm 1977. Còn bà Hoàng Thị Xuân quê ở Nghệ An. Đồng bệnh tương lân, ông bà dần xích lại gần và rồi nương tựa lẫn nhau. Dù hàng chục năm đã qua đi, ông và bà chẳng có danh phận gì, nhưng họ đã thấu hiểu, gắn bó lẫn nhau gần như suốt cuộc đời.

Trung tâm điều trị - phục hồi chức năng bệnh phong Quỳnh Lập còn chứng kiến những chuyện tình cảm động khác. Vợ chồng anh Hồ Sỹ Đường – chị Trần Thị Khuyên đã sinh được 3 người con khỏe mạnh; anh Trịnh Khắc Lý - chị Nguyễn Thị Ly cũng đã có một bé trai rất kháu khỉnh.

Một trong những "cặp đôi" tại Trung tâm
Một trong những "cặp đôi" tại Trung tâm

Theo bác sĩ Đặng Trung Sỹ - Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, bệnh nhân ở Trung tâm được hưởng trợ cấp của Nhà nước nhưng chỉ ở mức tối thiểu. Người già và trẻ em được trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng, còn người ít tuổi hơn, trung niên, thanh niên chỉ có 850 nghìn. Với số tiền đó, các bệnh nhân phải xoay sở, thu vén để đủ ăn ba bữa một ngày.

"Song, tuy họ không giàu, không có nhiều tiền, nhưng tình cảm của các bệnh nhân dành cho nhau, dành cho các bác sĩ và y tá nơi đây chính là món quà vô giá khó có thể so sánh, là động lực để chúng tôi yêu nghề, yêu các cụ hơn mỗi ngày” – Bác sĩ Trung Sỹ nói.