Hiện nay, lượng hàng qua Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) nói riêng và Cái Mép - Thị Vải nói chung đang đạt mức tăng trưởng nổi bật. Thậm chí, Tạp chí hàng hải Alphaliner xếp hạng cụm cảng Cái Mép có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2016, với 35,3%.
Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Bà Rịa -Vũng Tàu, số lượt tàu tải trọng trên 80.000 tấn vào Cái Mép - Thị Vải tăng nhanh trong 2 năm gần đây. Theo đó, năm 2015, Hệ thống cảng đón 674 lượt tàu, năm 2016 đón 1.144 tàu và chỉ trong quý I/2017, Hệ thống đón 296 lượt tàu, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2016. Hàng tuần, tại Cái Mép có 10 tuyến tàu mẹ với tải trọng từ 100.000 tấn trở lên đi Mỹ.
Sự kiện tàu Yang Ming Wellhead 160.000 tấn cập cảng Tân Cảng - Cái Mép an toàn vào ngày 10/4 đã một lần nữa khẳng định năng lực của hệ thống cảng nơi đây, có thể sánh cùng các hệ thống cảng nước sâu khác trên thế giới.
Tuy nhiên, muốn đưa Cái Mép – Thị Vải trở thành một “hệ sinh thái Logistis” như tại các nước khác, Chính phủ cần phải có chính sách hỗ trợ hơn nữa để tăng tính hấp dẫn của Cái Mép và tăng nguồn hàng trực tiếp tại cảng.
Đặc biệt, cảng cần hình thành đơn vị quản lý cảng chuyên biệt để xử lý khối lượng thủ tục ngày càng nhiều khi số lượng tàu và hàng cập cảng tăng lên nhanh chóng.
Cụ thể, về thủ tục hải quan, hiện các cảng đang phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan tỉnh để triển khai dự án hải quan điện tử. Khi dự án này hoàn thành, thủ tục thông quan sẽ được thực hiện nhanh chóng, minh bạch tạo nên cấu phần cốt lõi của một đơn vị quản lý cảng thông minh.
Đơn vị quản lý cảng không chỉ là đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục, mà còn phải đảm nhận chức năng điều phối các bến cảng trong khu vực, tạo sự thống nhất và giá trị chung của cả hệ thống. Hơn thế, sự điều phối thông minh sẽ giải quyết được bất cập hiện nay là hàng về nhiều tại bến có cầu cảng chiều dài hạn chế, trong khi những cảng khác lại không có hàng.