Hai doanh nghiệp nhà nước là Vinalines và TKV đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Vinalines sẽ cung cấp dịch vụ vận tải bằng tàu container/tàu hàng rời/sà lan đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế theo nhu cầu của TKV.
Bên cạnh đó, Vinalines và TKV nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải và logistics do Vinalines cung cấp như dịch vụ giao nhận, kho bãi, đại lý vận tải, đại lý tàu biển, đại lý hải quan... đối với các lô hàng nội địa và xuất nhập khẩu của TKV.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, sự hợp tác giữa Vinalines và TKV được thiết lập trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng hiện có, phát huy lợi thế của mỗi bên, là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập.
“Thỏa thuận hợp tác này tạo cơ sở để Vinalines từng bước nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu trên các tuyến vận tải biển trong nước và quốc tế. Thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ tại Quyết đinh 276/QĐ-TTg ngày 27/2/2017 phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020 của Vinalines” - ông Tĩnh khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc Vinacomin (TKV) - tập đoàn có khối lượng hàng hóa lớn cùng hợp tác với Vinalines là tín hiệu rất tốt, làm tăng mối quan hệ, tăng sức mạnh của khối các doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Vinalines tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu trong vận tải biển, tận dụng lợi thế sẵn có của đội tàu trọng tải lớn để từ đó cung cấp dịch vụ vận tải có chất lượng, tiến độ và giảm giá thành. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Bộ Công thương tiếp tục tạo điều kiện để TKV sử dụng dịch vụ vận tải của Vinalines, tối thiểu vận chuyển khoảng 50% sản phẩm.
Đây là lần đầu tiên Vinalines "bắt tay" được với TKV, cũng như lần hiếm hoi hãng tàu nhà nước này "kiếm" được thỏa thuận với một doanh nghiệp nhà nước lớn.
Trong những năm trước, Vinalines đã từng đều đặn có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ... tạo điều kiện can thiệp để doanh nghiệp này được tham gia vận tải than cho TKV, chở gạo, xi măng xuất khẩu... nhưng đều không thành.
Tình hình "thảm" đến mức, nhiều doanh nghiệp thuộc Vinalines phải cho doanh nghiệp ngoài thuê tàu, và tàu đó được sử dụng chở than cho chính TKV, hay chở gạo, xi măng xuất khẩu.
Điều khôi hài là nếu tàu do doanh nghiệp trực thuộc hoặc chính Vinalines khai thác, thì liên tục lỗ, nhưng nếu đem cho thuê, thì cũng chính con tàu đó lại đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp đi thuê.
Trong phân khúc hẹp của thị trường vận tải biển đối với mặt hàng than, không ít doanh nghiệp tại Hải Phòng, Thái Bình đã hồi phục, trở lại hàng "đại gia" chỉ chóng vánh trong vài năm, nhờ thuê tàu của Vinalines chở than cho TKV.
Những thông tin ngoài lề cho biết, vận tải than cho TKV là một thị trường béo bở mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể cạnh tranh sòng phẳng để giành được quyền vận tải.
Trong số những doanh nghiệp không "xử lý" được góc khuất của thị trường ấy, có Vinalines.
Nhưng cũng có những thông tin ngược lại cho rằng, chi phí cao dẫn tới đơn giá vận tải cao, đồng thời khả năng bảo vệ hàng hóa khá...thấp của những tàu thuộc Vinalines là lý do chính khiến chủ hàng than sợ giao hàng cho doanh nghiệp này vận chuyển.
Thực tế, không ít lần Vinalines đã tham gia chào giá cạnh tranh quyền vận tải than cho TKV, nhưng đều không thành.
Thực tế nữa là ngay trong thỏa thuận vận tải mới nhất ký giữa Vinalines và TKV, cam kết cụ thể vẫn là việc vận tải than sẽ thực hiện "theo nhu cầu của TKV", chứ không phải cam kết sản lượng cụ thể, hay tùy theo năng lực của Vinalines.
Đó là cam kết có phần lỏng lẻo.
Cam kết này khiến chính người lạc quan như thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, cũng chỉ dám "mong muốn Bộ Công thương tiếp tục tạo điều kiện để TKV sử dụng dịch vụ vận tải của Vinalines, tối thiểu vận chuyển khoảng 50% sản phẩm".
Đó cũng lại là mong muốn một chiều. Vì năng lực cảng biển và dịch vụ logistics mà Vinalines đang có lại... vô nghĩa với yêu cầu của TKV. Vinalines không có cảng phù hợp cho những chân hàng có sản lượng lớn, hay có độ sâu đủ phục vụ những tàu cỡ lớn chuyên chở than mà TKV cần.
Điều đó có nghĩa, Vinalines còn cần phải nỗ lực thay đổi rất nhiều, nếu muốn "chiều" được TKV.
Cam kết "bắt tay" giữa Vinalines và TKV, do thế, trước tiên chỉ là thêm hi vọng cho Vinalines trước thị trường vản tải than béo bở mà TKV đang nắm. Cũng như là một cách giảm đi những nghi ngờ trong đồn đoán về việc "gửi giá" cước vận tải than mà TKV đang chịu.
Lợi ích kinh tế thì còn phải chờ, nhưng giảm áp lực dư luận thì đã nhìn thấy.
Đó có thể là lý do hợp, cho một buổi lễ ký kết rình rang, hoành tráng.
Với lĩnh vực khai thác cảng biển, Vinalines hiện đang quản lý và khai thác 15 cảng biển, chiếm 23,53% tổng số cầu cảng và 30,37% tổng số chiều dài cầu cảng của Việt Nam, năng lực thông qua đạt 75 triệu tấn/năm...
Các cảng biển của Vinalines nằm tại các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước như Cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn và cụm cảng khu vực Cái Mép Thị Vải, có khả năng tiếp nhận và làm hàng cho tàu container sức chở tới 18.000 Teus.
Trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải, Vinalines hiện có hệ thống kho bãi và cảng cạn (ICD) có tổng diện tích hơn 3,5 triệu m2.
Từ nay đến 2020, Vinalines dự định phát triển diện tích kho bãi lên tới 6 triệu m2.