Cần nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tiên phong thử nghiệm sản phẩm của Start up

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Không chỉ hỗ trợ về tài chính, các doanh nghiệp cần dành thời gian, tâm huyết, cũng như chia sẻ một phần "miếng bánh” của mình với các Start up, để cùng phát triển những ý tưởng sáng tạo - ông Phạm Hồng Quất nói.

vt_pham hong quat.jpg
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tại Open Innovation Day - TechTraverse 2023 diễn ra mới đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng đưa ra những thách thức và phương pháp “open innovation” để Start up, nhà nghiên cứu, công ty công nghệ cùng tham gia giải quyết các bài toán kinh doanh một cách hiệu quả.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã liên tục phát triển, vươn lên từ vị trí 72 vào năm 2019 lên vị trí 54 trên thế giới vào năm 2022. Đặc biệt là hệ sinh thái ở hai đầu tàu đất nước là Hà Nội và TP.HCM đã nhiều năm nằm trong danh sách 200 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động nhất thế giới.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo mở trong bối cảnh ASEAN đang cùng nhau cạnh tranh và phát triển, ông Quất nêu quan điểm về việc mở rộng từ tư duy đến “trái tim”, “sải chân” và “cánh tay” là cần thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong quá trình kết nối và vươn ra thị trường quốc tế.

Trao đổi với phóng viên, ông Quất còn chia sẻ rằng đổi mới sáng tạo mở là công cụ khai phóng nguồn lực mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Thông qua đó, các nguồn lực từ tập đoàn, tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương, đặt ra các thách thức, thu hút những giải pháp đổi mới sáng tạo từ cộng đồng.

“Việt Nam chúng ta dù có thể không bằng thế giới ở cơ sở hạ tầng công nghệ hay nguồn vốn đầu tư lớn từ chính phủ nhưng lại được thừa nhận ở lợi thế về con người. Điều này đã và đang giúp cho Việt Nam vươn lên thứ bậc khá cao trên bản đồ khởi nghiệp” - ông Quất và kêu gọi các công ty, tập đoàn lớn trở thành những người đầu tiên sử dụng, truyền cảm hứng, đưa ra thách thức nhưng cũng là cơ hội cho bạn trẻ khởi nghiệp tài năng này.

vt_toan canh.JPG

Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh rằng cần phải có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp chấp nhận làm “chuột bạch” thử nghiệm sản phẩm của Start up. Không chỉ hỗ trợ về tài chính mà ông hy vọng các doanh nghiệp dành thời gian, tâm huyết, cũng như chia sẻ “một phần miếng bánh” của mình, để cùng phát triển những ý tưởng sáng tạo hướng đến tới tương lai.

Dữ liệu mở đặc biệt quan trọng cho đổi mới sáng tạo mở

Tại đây, các tập đoàn lớn như Thiên Long, Sơn Kim, Qualcomm, FPT, Nokia, AWS, Samsung,... cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng ngồi lại để đưa ra những “thách thức” và phương pháp “open innovation” để startup, nhà nghiên cứu, công ty công nghệ cùng tham gia giải quyết các bài toán kinh doanh một cách hiệu quả.

Bà Lê Vân Anh - đại diện Thương vụ ĐSQ Phần Lan, Bộ Kinh tế và Lao động Phần Lan, đưa ra gợi ý về sáng kiến dữ liệu mở (open data initiative) của Chính phủ tại Phần Lan, một trong những đất nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên thế giới và đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình ĐMST và khởi nghiệp đầu tiên. Bà cho biết dữ liệu mở đặc biệt quan trọng cho đổi mới sáng tạo mở vì nó có thể tạo cơ sở cho doanh nhân và nhà nghiên cứu phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên việc tiếp cận những dữ liệu thống kê trên diện rộng về người dân và doanh nghiệp trong đất nước.

vt_doi moi sang tao mo.JPG
Các chuyên gia và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như BIDV, Thiên Long, Sơn Kim, Qualcomm, FPT, Nokia, AWS, Samsung,... đã chia sẻ về thách thức để Start up, doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia giải quyết.

Đại diện cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), bà Trần Hương Giang - Đồng Trưởng Phòng Phụ trách Thí nghiệm Tăng tốc Đổi mới sáng tạo, giới thiệu thêm khái niệm “đổi mới sáng tạo cấp cơ sở” (grassroots innovation). Bà cho rằng cần có nguồn lực tập trung cho những giải pháp đổi mới được phát triển bởi chính những người dân đang phải chịu những vấn đề đó tại nơi họ sinh sống. Những giải pháp này thậm chí có thể hiệu quả hơn nhiều so với cách tiếp cận từ trên xuống của các cấp lãnh đạo và chính quyền thành phố.

Nhìn rộng ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) cho biết Việt Nam cần phát triển những chính sách tập trung vào một số ngành công nghiệp cụ thể chứ không thể làm chung hàng loạt.

Do đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh tập trung vào 2 ngành công nghệ nền tảng là điện tử và chip bán dẫn. Đặc biệt, Ban quản lý đã phối hợp cùng các tập đoàn lớn trên thế giới như Synopsys và Cadence để thành lập những trung tâm R&D ngay trong khu công nghệ cao, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực cho những lĩnh vực trọng điểm này.

“Trung tâm của đổi mới sáng tạo phải là con người. Muốn phát triển đổi mới sáng tạo trong bất cứ ngành công nghiệp nào cũng cần phải tập trung vào phát triển năng lực kỹ thuật của nguồn nhân lực” - ông Thi nhấn mạnh và khẳng định hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo đó cần được phát triển bởi sự kết nối và tương tác giữa con người./.