Cần đưa bệnh nhân tâm thần vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo GS. TS. Cao Tiến Đức, Bộ Y tế cần đưa bệnh nhân tâm thần vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 để phòng bệnh. 
Tình nguyện viên được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)
Tình nguyện viên được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là ý kiến của GS. TS. Cao Tiến Đức - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Học viện Quân Y - đưa ra tại lớp tập huấn trực tuyến chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch COVID-19 do Hội Y học khẩn cấp và thảm hoạ Việt Nam tổ chức vào sáng nay, ngày 4/9.

Bệnh nhân tâm thần cần được tiêm vaccine phòng COVID-19

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đối với bệnh nhân tâm thần, GS. TS. Cao Tiến Đức cho biết: “Tôi đề nghị Bộ Y tế song song với việc phòng, chống dịch COVID-19 cần tăng cường quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần. Đặc biệt, cần đưa bệnh nhân tâm thần vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 để phòng bệnh. Hầu hết bệnh nhân tâm thần đều có thể tiêm vaccine”.

Theo GS. TS. Cao Tiến Đức, trong đại dịch COVID-19, tỉ lệ người bị rối loạn tâm thần tăng. Một số rối loạn tâm thần thường gặp gồm: rối loạn tâm thần do nhiễm khuẩn (virus), rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm, rối loạn stress, rối loạn phân ly, tự sát. Để điều trị hiệu quả rối loạn tâm thần, các bác sĩ cần phối hợp liệu pháp tâm lý và dùng thuốc.

Đồng quan điểm với GS. TS. Cao Tiến Đức, Trung tướng, GS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân Y - cho hay: "Trừ các bệnh nhân có rối loạn tâm thần cấp tính cần thận trọng trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 thì các bệnh nhân tâm thần (rối loạn lo âu, trầm cảm), bệnh nhân tâm thần mắc bệnh nền khác nên tiêm vaccine phòng COVID-19. Bởi nếu mắc COVID-19 thì những trường hợp này sẽ mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, việc chỉ định cụ thể tiêm vaccine phòng COVID-19 phải được cá thể hoá, có bác sĩ thăm khám cụ thể, xem xét tình trạng hô hấp để chỉ định tiêm vaccine".

Trung tướng, GS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân Y (Ảnh - Minh Thuý)

Trung tướng, GS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân Y (Ảnh - Minh Thuý)

Theo Trung tướng, GS. Đỗ Quyết, sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, bệnh nhân tâm thần vẫn dùng thuốc điều trị về tâm thần được, không có vấn đề gì. Về số lượng người rối loạn tâm thần đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì đến nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa có nghiên cứu nên chưa có số liệu thống kê.

"Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm thực hiện mục tiêu chính là không chỉ bảo vệ cho cá thể mà còn bảo vệ cộng đồng để phòng bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan" - Trung tướng, GS. Đỗ Quyết nói.

Hiện nay trong thực tế đang xuất hiện hiện tượng “áo choàng trắng” – người không bị cao huyết áp nhưng khi chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 thì huyết áp cao. Theo kinh nghiệm ở Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nghỉ ngơi để huyết áp bệnh nhân trở về bình thường. Sau tiêm vaccine có trường hợp tăng huyết áp kịch phát nên cần tuân thủ theo khuyến cáo, hướng dẫn.

Tỉ lệ rối loạn tâm thần tăng trong đại dịch COVID-19

Thông tin về các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19, GS. TS. Cao Tiến Đức cho biết: Có nhiều loại rối loạn tâm thần khác nhau với các biểu hiện khác nhau gồm: Trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt, mất trí nhớ, thiểu năng trí tuệ, rối loạn phát triển, tự kỷ,…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), COVID-19 là 1 bệnh mới, có nguy cơ lây lan mạnh, tỉ lệ tử vong cao. Đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thời gian qua, COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, nhất là những người không có tích luỹ, cô đơn, lo cho bản thân, gia đình, trẻ em, thanh niên không được đến trường. Đặc biệt là bệnh nhân COVID-19 có tổn thương tế bào não do virus, tổn thương các cơ quan, suy hô hấp.

Thống kê cho thấy, các rối loạn về não và sức khoẻ tâm thần cao hơn ở những người sống sót sau COVID-19. Có khoảng 20% người sống sót sau COVID-19 bị rối loạn tâm thần trong 3 tháng đầu và 34% trong 6 tháng; lo âu chiếm 17%, trầm cảm chiếm 14%, không liên quan đến mức độ nặng nhẹ của COVID-19.

GS. TS. Cao Tiến Đức cho hay: Rối loạn tâm thần ở bệnh nhân COVID-19 có 3 hình thái lâm sàng khác nhau gồm: Rối loạn ý thức (mù mờ ý thức, mê sảng, lú lẫn, mê mộng, hôn mê); tiến triển kéo dài không có rối loạn ý thức (ảo giác, hoang tưởng, căng trương lực, hưng cảm, trầm cảm, sững sờ, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ,…); xuất hiện hội chứng Korsakov, suy nhược thần kinh kéo dài, rối loạn trí nhớ. Rối loạn ý thức thường xuất hiện ở bệnh nhân nhiễm khuẩn cấp tính, tối cấp tính. Biểu hiện rối loạn ý thức thường gặp là trạng thái ngủ gà, lú lẫn, u ám, mê sảng, ảo giác,…

Bác sĩ của Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103 thăm khám, điều trị cho người bệnh (Ảnh: Minh Quang)

Bác sĩ của Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103 thăm khám, điều trị cho người bệnh (Ảnh: Minh Quang)

Để điều trị hiệu quả rối loạn tâm thần do COVID-19, các bác sĩ cần sử dụng các liệu pháp tâm lý (tăng cường kết nối các thành viên trong gia đình, tăng cường sức khoẻ, sức đề kháng,…). Các bác sĩ có thể điều trị đặc hiệu bệnh nhiễm khuẩn, thận trọng khi sử dụng thuốc hướng thần, kết hợp với các liệu pháp vitamin, bù nước điện giải, nâng đỡ thể trạng, tăng cường sức đề kháng chung của cơ thể bệnh nhân.

Bệnh nhân COVID-19 dễ bị rối loạn stress cấp

Chia sẻ về rối loạn lo âu ở bệnh nhân COVID-19, TS. Đỗ Xuân Tĩnh – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103 - cho biết: “Đại dịch COVID-19 là một sang chấn vừa gây tổn thương về cơ thể, vừa gây tổn thương về mặt tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần ở bệnh nhân COVID-19 là rất lớn như: Lo âu, trầm cảm, phản ứng stress,… Trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu về rối loạn tâm thần ở bệnh nhân mắc COVID-19”.

Hiện, tỉ lệ bệnh nhân rối loạn lo âu đang có xu hướng tăng trong dịch COVID-19. Rối loạn lo âu gồm 5 thể sau: Phản ứng stress cấp do COVID-19, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn hoảng sợ, rối loạn thích ứng và rối loạn lo âu lan toả.

Đối với bệnh nhân COVID-19, rối loạn stress cấp có thể xuất hiện đột ngột ngay sau khi thông báo bị cách ly, bắt buộc điều trị do mắc COVID-19 trong khi bệnh nhân đang làm hoặc chuẩn bị các công việc khác quan trọng. Cuộc sống của bệnh nhân bị gián đoạn và xáo trộn đột ngột khiến bệnh nhân không kịp thích ứng.COVID-19 có thể gây ra stress cấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị. Chỉ có một số bệnh nhân bị stress cấp.

Toàn cảnh lớp tập huấn trực tuyến chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch COVID-19 do Hội Y học khẩn cấp và thảm hoạ Việt Nam tổ chức vào sáng nay (Ảnh - Minh Thuý)

Toàn cảnh lớp tập huấn trực tuyến chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch COVID-19 do Hội Y học khẩn cấp và thảm hoạ Việt Nam tổ chức vào sáng nay (Ảnh - Minh Thuý)

Trong thực tế, bệnh nhân bị stress cấp có thể bị bất động – giữ nguyên tư thế không thể cử động, không nói mặc dù nguy hiểm đến gần; mất khả năng phản ứng cảm xúc, mất khả năng đáp ứng với ngoại cảnh, ý thức thu hẹp, rối loạn chú ý và định hướng. Tình trạng này có thế kéo dài vài giờ đến 2-3 ngày, sau đó là giai đoạn hồi phục, suy nhược và mất trí nhớ.

Ở thể kích động, bệnh nhân bị hưng phấn vận động và ngôn ngữ (đột ngột la hét, bỏ chạy, có nhiều hành động vô nghĩa,… ý thức thu hẹp, rối loạn định hướng, chú ý).

TS. Đỗ Xuân Tĩnh khuyến cáo: Để phòng tránh và điều trị phản ứng stress cấp do COVID-19, mỗi người cần chuẩn bị sẵn tâm lý cho kịch bản bị cách ly, phong tỏa hoặc điều trị bắt buộc, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch và giãn cách xã hội, thực hiện tốt 5K.

Khi có bệnh nhân phản ứng stress cấp do COVID-19, người dân cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào giường nằm ở nơi yên tĩnh, an ủi bệnh nhân. Nếu bệnh nhân la hét, giãy dụa nhiều thì có thể tiêm bắp 1 ống diazepam 10mg.