Công nghệ này được gọi là “hyperspectral mobile device” (tạm dịch là công nghệ siêu quang phổ trên thiết bị di động), giúp nâng cao tính năng của camera trên smartphone với chi phí thấp, dễ dàng phát triển và phổ biến trong các ngành nghề liên quan đến y tế, công nghệ, không gian và cảm biến môi trường.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tích hợp chip MEMS vào camera trên iPhone, giúp người dùng có thể tận dụng camera để phát hiện những thứ mà mắt thường không thể thấy.
Anna Rissanen, một nhà nghiên cứu tại VTT cho biết: “Người dùng có thể sử dụng smartphone để kiểm tra nốt ruồi trên cơ thể là lành tính hay ác tính, thậm chí là xem thức ăn còn sử dụng được hay đã bị hư. Ngoài ra, công nghệ này còn có thể xác thực sản phẩm hoặc người sử dụng dựa trên các dữ liệu sinh trắc học.”
Trên trang web chính thức, VTT cho biết công nghệ này khá hữu ích trong việc chẩn đoán ung thư da, cảm biến môi trường, tăng độ chính xác cho các thiết bị không người lái, giám sát rừng và các dự án được tiến hành từ xa để đo khí thải của tàu.
Những thiết bị thông minh ngày nay hỗ trợ rất lớn trong việc xử lý dữ liệu hình ảnh và các dịch vụ đám mây trên dữ liệu quang phổ. Các nhà nghiên cứu đang hy vọng rằng sẽ hợp tác được với một số công ty để thương mại hóa sản phẩm và đưa nó ra thị trường.
Theo Pháp Luật TP HCM