“Ngày nay, đi đâu ở Việt Nam, ngay cả nơi rừng sâu núi thẳm, cũng đầy người và âm thanh ầm ĩ, chắc thế mà con người ngày càng cô đơn hơn. Cái trống rỗng của đời sống nội tâm không được bù trừ bởi cái ồn ào nhiều thanh sắc bên ngoài. Cá nhân không thể ngồi yên và không thể tĩnh tâm. Hắn phải chạy theo cái ngoại thân, hắn tôn thờ biểu tượng, đánh mất chính mình vào tha nhân và ngoại cảnh. Có thể nói rằng sự thẩm nhập của văn minh Tây Âu vào Việt Nam là sự xâm lược của một luồng văn hóa cảm giác nhằm đánh thức thân xác con người…” (Trích “Từ cát biển lên đỉnh núi: Của đền đài và ước vọng - TS. Nguyễn Hữu Liêm viết).
Với những góc nhìn triết luận, TS. Nguyễn Hữu Liêm phân tích về nỗi cám dỗ nhậu tràn lan mọi vỉa hè đường phố khó ai có thể chối từ, cơn nghiền khổ đau không thể kiểm soát khi cảm giác cãi cọ, chửi mắng người khác mang lại khoái cảm giải thoát…
“Điều này không chỉ dành riêng cho Việt Nam, như một tập thể nhân loại giới hạn đầy oan khúc, mà là mẫu số chung cho hầu hết các quốc gia nghèo đói, đang chập chững bước vào thời kỳ quán lý tính và hiện đại. Vết thương Việt Nam có một bản sắc đặc thù riêng – cũng như người Việt Nam có cá tính và ngôn ngữ riêng. Và những bài viết trong tuyển tập “Cám dỗ Việt Nam” này là một thứ ngôn ngữ đặc thù phát đi từ sinh nghiệm đau đớn đó cho vết thương sử tính Việt…” – TS Nguyễn Hữu Liêm viết.
Dẫn chương trình: Nhà thơ - nhà nghiên cứu Inrasara và TS Nguyễn Hữu Liêm
|
“Phải thoát ra khỏi biên giới quốc gia, biên giới ngôn ngữ thì mới có thể tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn” – TS Nguyễn Hữu Liêm nói tại cuộc gặp gỡ ngày 8/7.
Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn & Domino Books ấn hành, ra mắt hôm nay, ngày 8/7 tại TP.HCM.
Cuốn bút ký của tác giả TS. Nguyễn Hữu Liêm bao gồm 26 bài viết, về nhiều vùng đất, nhiều chủ đề. Những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ tại quê nhà của ông luôn lấp lánh những suy tư triết học. Nhưng tựu trung lại, độc giả nhận ra những tâm nguyện muốn lan truyền của tác giả, cũng như các triết gia đã phân tích, cái “ta” sẽ luôn được chuyển hóa, định nghĩa bởi những cái không là “ta”.
“Vì bản thân ta rất bảo thủ, nên chỉ có những cái không là ta, năng lực ngoại thân dùng cái búa của nó đập vỡ cái “ta” thì mới khiến chân giá trị lộ diện và giúp “ta” trưởng thành” – TS Nguyễn Hữu Liêm nói.
Năm 2018, cuốn sách “Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học” (NXB Đà Nẵng) của ông lần đầu tiên in trong nước. Điều này, hẳn tiếp thêm nhiều động lực cho ông trong việc in ấn tác phẩm của mình tại quê nhà, cũng như tạo điều kiện tương tác với độc giả nhiều hơn nữa.
Nếu “Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học” đưa ra một luận đề mới và khác, rất là nguyên thủy về bản thể luận trên nền tảng chữ thời và ý chí, thì “Cám dỗ Việt Nam” lại đi vào từng mảng đề tài cụ thể (bằng bút ký, ghi chép) để kiến giải mệnh đề sử tính dân tộc Việt mà ông trăn trở.