Sau khoảng thời gian 1 năm rưỡi sử dụng iPhone 6S màu hồng, cử nhân đại học Thượng Hải Jiang Xinyi đã quyết định đổi điện thoại khác, nói lời chào tạm biệt với Apple – thương hiệu cao cấp nhất mà đa số giới trẻ Trung Quốc có thể sở hữu.
Jiang đã chuyển sang sản phẩm có tên Huawei Nova 2, một smartphone camera kép ra mắt vào mùa hè năm nay của Huawei Technologies với giá chỉ 2.889 NDT (khoảng 10 triệu đồng) – chỉ bằng 2/3 mức giá của iPhone 6S.
Cô chia sẻ: "Tôi không còn quan tâm đến thương hiệu nữa. Tôi chỉ đơn giản muốn một chiếc điện thoại có khả năng chụp ảnh selfie đẹp và có đủ dung lượng lưu trữ cho nhạc và phim ảnh. Chiếc điện thoại Huawei cung cấp đúng những gì mà tôi cần với một mức giá hợp lí". Cô cũng bổ sung rằng nhiều người bạn của cô, những người từng sở hữu iPhone đã chuyển sang những sản phẩm khác "tốt vừa đủ" chứ không còn tìm kiếm những "siêu phẩm" nữa.
Các chỉ số thống kê tại thị trường Trung Quốc
Jiang tuy không phải là một người dùng trung thành của Apple tại Trung Quốc, nhưng cô cũng có thể giải thích được lí do vì sao gã khổng lồ công nghệ có giá trị lớn nhất tại Mỹ lại mất đi thị phần ở thị trường smartphone lớn nhất thế giới vào tay của các đối thủ nội địa Trung Quốc.
Khi các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc đẩy chuỗi giá trị (value chain) của mình lên và xóa bỏ đi hình ảnh những kẻ sao chép rẻ tiền, người tiêu dùng Trung Quốc có thể tận hưởng những công nghệ vốn chỉ xuất hiện ở những siêu phẩm cao cấp với mức giá vô cùng phải chăng. Xu hướng này là một thách thức vô cùng lớn với Apple, khi họ đang phải cố gắng giành lại đà phát triển của mình ở thị trường quốc tế quan trọng nhất.
Mo Jia, một nhà phân tích tại Canalys cho biết: "Các thương hiệu Trung Quốc như Huawei, Oppo và Vivo có thể cạnh tranh trực tiếp với Samsung và Apple tại phân khúc cao cấp chỉ với những chiếc điện thoại có giá 500 USD, thấp hơn các đối thủ rất nhiều".
Nghiên cứu của Counterpoint Technology cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2017, có 4 mẫu điện thoại Trung Quốc lọt vào top 10 smartphone bán chạy nhất tại quốc gia này ở phân khúc cao cấp, so với con số 5 mẫu của Apple và một của Samsung.
Ông Jia nhận định: "Những người dùng trung thành của Apple có thể cảm thấy khó khăn khi chuyển sang điện thoại Android vì chỉ có iPhone mới có thể hoạt động một cách tốt nhất trong hệ sinh thái của Apple. Nhưng đối với những người dùng khác, những người coi trọng vẻ bề ngoài mới mẻ hơn trải nghiêm người dùng, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác".
Vào tuần trước, Apple đã công bố 3 mẫu điện thoại mới – iPhone 8, iPhone 8 Plus và siêu phẩm của tương lai iPhone X. Theo các chuyên gia phân tích, tương lai của Apple tại Trung Quốc, nơi có tới 2,33 tỷ smartphone được lưu hành trong năm ngoái phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thay thế/nâng cấp của người dùng của họ.
Theo thống kê của Penguin Intelligence, một công ty nghiên cứu thị trường do gã khổng lồ Tencent Holdings "chống lưng", mặc dù được bình chọn là thương hiệu smartphone gây được nhiều sự hài lòng nhất, Apple chỉ xếp thứ hai về mức độ trung thành của người dùng Trung Quốc, bị Huawei Technologies bỏ lại khá xa.
Thống kê này được dựa trên cuộc khảo sát 73.907 người dùng Internet tại Trung Quốc, trong đó khoảng 65,7% người dùng iPhone nói rằng họ sẽ tiếp tục gắn bó với thương hiệu này, so với con số 72,8% của người dùng Huawei.
Khoảng 41,6% người dùng sau khi tạm biệt iPhone sẽ chuyển sang hãng Huawei, xếp phía sau lần lượt là Samsung, Xiaomi, Oppo và Vivo.
Theo Neil Mawston, Giám đốc điều hành mảng chiến lược thiết bị không dây tại Strategy Analytics: "Chúng tôi dự đoán iPhone X sẽ chỉ làm chậm quá trình trượt dốc của Apple tại Trung Quốc chứ không thể cản lại được". Trong một bài blog gần đây của mình, ông cũng cho rằng iPhone X sẽ làm hài lòng các fan hâm mộ của Apple nhưng không thể khiến những người dùng Android cao cấp cảm thấy kinh ngạc khi thiết bị của họ đã có những tính năng tương tự như iPhone X.
Thị phần của iPhone tại Trung Quốc giảm dần theo thời gian (ảnh: SCMP)
Theo dữ liệu của IDC, chỉ xếp thứ 5 tại thị trường Trung Quốc trong quý 2 năm nay, thị phần của Apple đã giảm từ 13,6% xuống 7,1% so với cùng kì năm 2015. Đồng thời, thị phần của 4 thương hiệu top đầu Trung Quốc đã tăng từ 46,1% lên 66%.
Jin Di, Giám đốc nghiên cứu của IDC Trung Quốc nhận định, sự thăng tiến của các thương hiệu Trung Quốc là nhờ những nỗ lực của họ trong sự đổi mới. "So với Apple, nơi có phương châm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, các thương hiệu Trung Quốc đã rất tích cực trong việc tự nhận mình là người đầu tiên mang lại những tính năng mang tính đột phá".
iPhone X là thiết bị đầu tiên của Apple có trang bị màn hình vô cực và các tính năng như sạc không dây, nhưng chúng hoàn toàn không phải là những điều mới mẻ với các thương hiệu Trung Quốc.
Không ít các tính năng của iPhone X đều đã xuất hiện trên các đối thủ từ lâu (ảnh: SCMP)
Ví dụ như Xiaomi – còn được gọi là Apple của Trung Quốc – đã ra mắt sản phẩm cao cấp Mi Mix 2 của mình 1 ngày trước Apple. Chiếc điện thoại này là phiên bản kế nhiệm của dòng sản phẩm được phát triển bởi nhà thiết kế Philippe Starck và có những tính năng nổi bật như chất liệu gốm và màn hình không viền chiếm gần như toàn bộ mặt trước của máy.
Huawei, với tham vọng lật đổ Apple và Samsung, đã tuyên bố rằng mình là người đầu tiên cho ra mắt công nghệ camera kép. Ông Guo Ping, Giám đốc điều hành luân phiên của Huawei trong một buổi phỏng vấn có nói: "Camera kép giờ đã trở thành tính năng buộc phải có của các hãng điện thoại lớn trên toàn cầu".
Mặc dù Samsung và Apple vẫn là hai nhà cung cấp hàng đầu thế giới về số máy bán ra, các thương hiệu Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách rất nhanh chóng, thu hút gần một nửa số smartphone bán ra trên toàn thế giới.
Mawston nhận định: "Các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc đã làm rất tốt ở quê nhà, và họ sẽ dùng những thành công này làm bàn đạp để vươn tới phần còn lại của thế giới".
Top 5 thương hiệu smartphone tại Trung Quốc theo thị phần (ảnh: SCMP)
http://vnreview.vn/tin-tuc-thi-truong/-/view_content/content/2320238/cac-thuong-hieu-trung-quoc-dang-thach-thuc-samsung-va-apple-nhu-the-nao