Liên minh quyền lực về AI
Trong thời dữ liệu có giá trị không kém tiền bạc, lại có giá trị gốc cho các ứng dụng AI, liên minh dựa trên 5 công ty công nghệ trên được cho là sẽ trở thành một tổ chức siêu quyền lực về AI. “Chúng tôi đang ở thời kỳ vàng về công nghệ máy móc tự học và AI. Sự hợp tác sẽ đảm bảo cho chúng tôi có được những gì tốt nhất để cải thiện niềm tin của khách hàng và đem lại lợi ích cho xã hội” - Ralf Herbrich - Giám đốc khoa học máy móc tự học của Amazon - nói trên The Guardian.
Mỗi thành viên Hiệp hội AI đều có các đội nghiên cứu mạnh về AI, như Watson của IBM, DeepMind của Google, Alexa của Amazon, Cortana của Microsoft và News Feed của Facebook. Liên minh sẽ cho phép các đội này thường xuyên thảo luận về những tiến bộ của AI, mở ra một cấu trúc liên kết hướng tới phát triển sản phẩm và dịch vụ AI tốt nhất.
IBM công bố giải thưởng trí tuệ nhân tạo IBM Watson AI Xprize giai đoạn 2017-2020.
Ảnh: IBM
Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về sự thiếu vắng của nhiều “tay chơi” quyền lực về AI trong liên minh này như Apple, Twitter, Intel, Baidu hay OpenAI của Elon Musk. “Chúng tôi đang thảo luận với Apple, tôi biết Apple rất nhiệt tình về nỗ lực này và cá nhân tôi hy vọng họ sẽ tham gia” - Eric Horvitz thuộc Microsoft, đồng chủ tịch lâm thời của hiệp hội - nói trên The Guardian.
Apple hiện vẫn chưa có bình luận chính thức về yêu cầu trên. Trong khi đó, OpenAI có vẻ sẵn sàng tham gia. “Chúng tôi hy vọng sẽ trở thành một trong những thành viên đầu tiên trong tương lai” - Greg Brockman - đồng sáng lập OpenAI nói.
Việc lập Hiệp hội AI được nhiều chuyên gia nhận định sẽ giúp kiểm soát tốt và chia sẻ cởi mở hơn đối với sự phát triển AI, giúp ngăn viễn cảnh AI khiến con người mất việc làm, gia tăng bất bình đẳng và đe doạ địa vị của loài người. “Đây là bước tiến khổng lồ, phá bỏ rào cản để các nhóm phát triển AI chia sẻ kinh nghiệm, cách nghiên cứu tốt nhất để đem lại lợi ích xã hội tối đa, khắc phục những lo ngại về đạo đức” - Suleyman thuộc Google nói.
“Chúng tôi tin AI có triển vọng rất lớn về tăng chất lượng sống, giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, lương thực, bất bình đẳng, sức khỏe và giáo dục” - Hiệp hội AI tuyên bố.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng sức mạnh công nghệ mới với sự hỗ trợ của Hiệp hội AI sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh đời sống. Eric Horvitz của Microsoft thừa nhận đây là thách thức rõ nhất, điển hình là vấn đề các thuật toán ẩn chứa “thiên kiến” khi được lập trình bởi các bộ dữ liệu; vấn đề an toàn và độ tin cậy của các hệ thống; ảnh hưởng của những phán xét đạo đức được tích hợp trong các hệ thống AI khi tương tác với con người trong những tình huống nhất định.
“Khi bạn cho một thuật toán tự học hỏi trên một loạt dữ liệu, nó sẽ tìm thấy một mô thức trong dữ liệu đó. Điều này sẽ tạo ra sự rập khuôn, phân biệt đối xử ngoài ý muốn và vấn đề này đang ngày càng phổ biến” - Kambhampati - Đại học Arizona, Mỹ - nói trên Npr.com.
Công nghệ chatbot của Microsoft có thể học hỏi từ các cuộc hội thoại của mình, nhưng cũng nhanh chóng bị trật ra ngoài khi rơi vào sự hỗn loạn. Công nghệ tự lái của Tesla từng không nhận biết được màu trắng của xe tải trong điều kiện sáng chói, dẫn đến cái chết của lái xe. Các thuật toán quảng cáo của Google đã bị cáo buộc phân biệt chủng tộc và giới tính.
Đó là những ví dụ cho thấy AI có những thiên vị và sai lệch. Thay vì quan tâm đến các vấn đề đạo đức học xa xôi, Kambhampati cho rằng liên minh AI cần tập trung ngay vào những vấn đề thực tiễn ngắn hạn trên.
Theo KHPT