Sáng nay (20/2), Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Nhân dịp năm mới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng - chúc các cơ quan quản lý báo chí, các nhà báo lão thành, người làm báo cả nước một năm mới có nhiều khát vọng mới, nỗ lực mới để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của người làm báo cách mạng Việt Nam.
Trao đổi với lãnh đạo các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ báo chí trước hết phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng những chức năng của báo chí phải được phát huy cao độ, gồm có: Báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng để định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận; phản ánh thực tiễn sinh động trên nhiều lĩnh vực của đời sống nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài; phát huy vai trò phản biện đúng, phản biện trúng để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống tốt hơn; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phê phán, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Nhìn lại năm 2023, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những đóng góp "hết sức tích cực và đáng ghi nhận" của báo chí đối với thành công chung rất quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đất nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; năm kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, sơ kết 5 năm thực hiện Quy hoạch báo chí của Chính phủ.
Đồng thời, phải chuẩn bị tốt cho các sự kiện dấu mốc quan trọng có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong năm 2025 như 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ 14 của Đảng, kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Do đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền tốt việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai tích cực, sáng tạo việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết sách của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; bám sát hơi thở cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp và nhân ái trong xã hội; đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống đáp ứng mong mỏi của mọi người dân.
Các cơ quan báo chí phải quyết tâm cao để xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại trong tình hình mới; để mỗi cơ quan báo chí đều là cơ quan báo chí tử tế, được cả xã hội tôn trọng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Để vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, những người làm báo phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của báo chí cách mạng; không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn.
Phải có cách làm mới, cách nghĩ mới để sản phẩm cạnh tranh hơn
Phân tích về tình hình quốc tế và trong nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn cả bên trong và bên ngoài trong khi nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và việc huy động nguồn lực nhàn rỗi trong nhân dân còn hạn chế.
Trước bối cảnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng báo chí cần hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, xoa dịu nỗi đau của tất cả mọi người, lan tỏa những ví dụ, những mô hình tốt đẹp, đồng thời cũng phải răn đe những hành vi vi phạm pháp luật do khó khăn quá sinh ra.
Chia sẻ khó khăn, thách thức của các cơ quan báo chí, nổi bật là doanh thu quảng cáo sụt giảm chưa từng có, cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các nền tảng mạng xã hội, trong khi phải nỗ lực đuổi kịp xu thế, nhất là sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ…, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, các cơ quan báo chí phải dũng cảm đối diện với những khó khăn, thách thức, không né tránh; phải có cách làm mới, cách nghĩ mới để có những sản phẩm mới có sức hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn.
Ông Trần Lưu Quang mong muốn lãnh đạo các cơ quan báo chí suy nghĩ, tham khảo kinh nghiệm của Truyền hình Vĩnh Long, dù trong điều kiện khó khăn chung trong năm 2023 vẫn đạt doanh thu 1.400 tỉ đồng, nộp ngân sách cho tỉnh Vĩnh Long khoảng 800 tỉ.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải quản lý tốt sản phẩm và cán bộ của mình để bảo vệ danh tiếng là cơ quan thông tin, truyền thông chính thống, đại diện cho Đảng, Nhà nước, đồng thời tránh nguy cơ mất cán bộ do mưu sinh mà vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
Các cơ quan báo chí cũng phải chú trọng công tác đào tạo một cách thực chất; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể theo thứ tự ưu tiên.
Ấn phẩm Tết thể hiện khát vọng, niềm tin, sự tự hào về ý chí, cốt cách của dân tộc
Nhận xét về báo chí Tết nguyên đán 2024, ông Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) - cho biết: Các chủ đề nổi bật trên ấn phẩm báo Tết, báo Xuân, chương trình Tết là các chủ đề: Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước vững vàng vượt qua thử thách, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, niềm tin khát vọng của đất nước.
Bao trùm các ấn phẩm Tết là khát vọng, niềm tin, sự tự hào vào ý chí, cốt cách của dân tộc, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Nhiều chương trình, ấn phẩm nêu bật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu chuyện về Người tiếp tục là đề tài lớn được nhiều cơ quan báo chí khai thác; nhiều bài viết cảm động về Người - một tấm gương đạo đức mẫu mực, một tình cảm gần gũi, gắn bó máu thịt với nhân dân; Những câu chuyện gắn với Bác và mùa Xuân.
Các bài viết về thành tựu của các cấp, các ngành, những kết quả quan trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ XIII của Đảng. Nhiều bài viết đề xuất các giải pháp thiết thực với tinh thần chung sức, đồng lòng, đoàn kết, trách nhiệm để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ khóa XIII. Các báo cũng nêu đậm nét về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là trường phái “ngoại giao cây tre” Việt Nam.
Các từ khóa như "Hóa rồng, thời cơ, vượt vũ môn, rồng bay…" là những từ khóa được nhiều cơ quan báo chí sử dụng nhiều. Nhóm chủ đề lớn về văn hóa, phong vị Tết dân tộc, Tết với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều chương trình tái hiện Tết xưa thể hiện sống động phong vị Tết.
Các cơ quan báo chí phản ánh đậm nét thông tin Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành chăm lo Tết cho nhân dân, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; không khí lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu tháng, đầu năm.
Một nhóm chủ đề lớn khác đó là các trang văn nghệ, chương trình phát thanh truyền hình xuân. Đặc biệt nhấn mạnh sự gắn bó đồng hành của văn nghệ sĩ với nhân dân, trong công cuộc chấn hưng và phát triển văn hóa đất nước.
Ông Tống Văn Thanh cũng cho biết, dịp Tết Giáp Thìn 2024 có 224 cơ quan báo chí ra số đặc biệt, trong đó có 130 cơ quan báo và 94 cơ quan tạp chí. Các cơ quan báo chí chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tăng trang, đổi khổ, gộp số. Chất lượng các ấn phẩm Tết khá tốt./.