Xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh
Theo trang mạng của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 14/10, tại cuộc họp báo do Văn phòng thông tin Quốc Vụ viện Trung Quốc tổ chức, ông Lý Khôi Văn (Li Kuiwen), người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và là Vụ trưởng Vụ Phân tích Thống kê, đã công bố số liệu thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay. Trong 3 quý, giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc là 22.910 tỷ Nhân dân tệ (1 Nhân dân tệ khoảng 0,14 USD), thặng dư thương mại là 2.050 tỷ NDT, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong số đó, tổng giá trị thương mại Trung - Mỹ là 2.750 tỷ NDT, giảm 10,3%, tổng giá trị thương mại Trung - Nhật 1.580 tỷ NDT, tăng 0,1%. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với hai đối tác thương mại lớn EU và ASEAN lần lượt là 3.570 tỷ và 3.140 tỷ NDT, tăng 8,6% và 11,5%, chiếm 15,6% và 13,7% tổng giá trị thương mại với nước ngoài của Trung Quốc.
Tổng cục Hải quan họp báo công bố số liệu về xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm cho thấy kim ngạch mậu dịch Trung - Mỹ giảm tới 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái
|
Ông Lý Khôi Văn cũng nói: “Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các quốc gia ven “Vành đai và Con đường” là 6.650 tỷ NDT, tăng 9,5%, đã chiếm 29% tổng giá trị thương mại xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong tháng 9/2019, kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD Mỹ giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 8,5%. Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 9 là 39,65 tỷ USD, trong khi ước tính của hãng Reuters là thặng dư 33,3 tỷ USD.
Các nhà phân tích của Reuters nhận xét, suy thoái kinh tế toàn cầu và xung đột thương mại Trung - Mỹ vẫn tồn tại và nền kinh tế trong tương lai vẫn đang chịu áp lực. Các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ đang tiến lên giữa những trắc trở, không chỉ ảnh hưởng đến hai nước Trung - Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Reuters nhận định: “Mặc dù vòng đàm phán có tính giai đoạn mới nhất đang tiến triển tốt, nhưng chúng tôi tin rằng ván cờ Trung - Mỹ vẫn đang diễn ra trong trắc trở, số thuế quan đã tăng bổ sung vẫn không được giảm đi, vì vậy chúng tôi dự tính tác động của thuế quan đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu đã thực sự phát sinh”.
Hãng Bloomberg cho rằng, thuế quan của Mỹ với Trung Quốc và thương mại toàn cầu tiếp tục chậm lại, nhân tố giảm nhu cầu có tác động tiêu cực đối với thương mại song phương Mỹ - Trung. Bloomberg ngày 13/10 nói, Viện nghiên cứu kinh tế Oxford Economics dự đoán: mức giảm 20% trong thương mại Trung - Mỹ vẫn chưa đạt đến mức tồi tệ nhất.
Vòng đàm phán thương mại lần thứ 13 kết thúc với một thỏa thuận Mỹ hoãn tăng thuế đổi lại việc Trung Quốc gia tăng việc mua nông sản Mỹ.
|
Trong một báo cáo trước khi dữ liệu của Trung Quốc được công bố, nhà kinh tế học Adam Slater nhận định: “Mậu dịch song phương đã bị ảnh hưởng nặng nề (trọng thương) và còn có khả năng tiếp tục giảm hơn nữa, đặc biệt là nếu thuế quan mở rộng ra nhiều mặt hàng hơn nữa”.
Kênh truyền hình kinh tế tài chính CNBC đưa tin, Evercore - một ngân hàng đầu tư độc lập toàn cầu hôm 12 tháng 10 đã đưa ra một bình luận rằng “chúng tôi không tin vào cách nói cuộc chiến thương mại đã gần kết thúc” của Tổng thống Donald Trump. Evercore phân tích rằng, nếu Mỹ vẫn tuân thủ và tin theo thuyết “ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc” (Stop China Rises), thì cuộc chiến thương mại vẫn sẽ tiếp tục “chừng nào mức thuế trừng phạt vẫn còn, đánh giá của chúng tôi về mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc vẫn là rất xấu, không phải là lành tính”.
Thỏa thuận giai đoạn đầu chỉ là “hiệp nghị ngừng bắn tạm thời” chứ không phải thỏa thuận thực sự
Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận giai đoạn đầu đạt được giữa Trung Quốc và Mỹ giống như một “hiệp nghị đình chiến tạm thời” hơn là một thỏa thuận thực sự bởi vì nó cơ bản không đụng đến các vấn đề thực sự khó khăn. Trước khi văn bản thỏa thuận giai đoạn đầu này được soạn thảo, cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ vẫn có thể tan vỡ, giống như tình hình từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay.
Ngày 14/10, ông Trump viết tweet bày tỏ phấn khởi trước thỏa thuận bước thứ nhất đạt được với Trung Quốc
|
Vào lúc 17h47 phút giờ Washington ngày 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên Twitter rằng ông đã đồng ý không tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% vào ngày 15/10, thuế quan sẽ vẫn ở mức 25%. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất tốt; Mỹ và Trung Quốc sẽ hoàn thành bản hiệp nghị giai đoạn đầu tiên và sau đó trực tiếp tiến hành giai đoạn thứ hai. Bản hiệp nghị giai đoạn đầu tiên sẽ nhanh chóng được hoàn thành và ký kết sớm.
Theo CNBC ngày 14/10, các nhà phân tích cho rằng mặc dù Tổng thống Trump nói rằng thỏa thuận giai đoạn đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là “rất có tính thực chất”, nhưng theo họ nó có vẻ giống như một “thỏa thuận tạm thời” chứ không phải là một thỏa thuận thực sự.
Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn đầu của thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hầu như không đụng đến các vấn đề thực sự khó khăn, bao gồm ép buộc chuyển giao công nghệ và trộm cắp tài sản trí tuệ. Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán Trung - Mỹ có thể bị phá vỡ một lần nữa trước khi văn bản thỏa thuận giai đoạn đầu tiên được soạn thảo.
Ông Christiaan Tuntono, chuyên gia kinh tế cấp cao của Allianz Global Investors: thỏa thuận bước một với Trung Quốc, giống như một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải là một thỏa thuận thực sự.
|
Ông Christiaan Tuntono, chuyên gia kinh tế cấp cao châu Á - Thái Bình Dương của Allianz Global Investors nói, thỏa thuận mà ông Trump cho rằng là một thỏa thuận bước một có tính thực chất với Trung Quốc, giống như một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải là một thỏa thuận thực sự.
Các nhà kinh tế tại Macquarie Capital cũng đồng ý với quan điểm trên, gọi thỏa thuận này là “thỏa thuận ngừng bắn tạm thời”.
Nhà kinh tế Vishnu Varathan của Ngân hàng Mizuho hôm 14/10 nói rằng các vấn đề thực sự khó khăn không được giải quyết trong thỏa thuận. Ông Varathan nói, bản thân Trung Quốc cũng cần nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn và lập trường cứng rắn của Trung Quốc không thực sự thay đổi.
Christiaan Tuntono của Allianz Global Investors cho rằng thỏa thuận giai đoạn một này không giải quyết được các vấn đề khác như an ninh mạng.
Các nhà phân tích cũng cho rằng tình hình thương chiến Mỹ - Trung trong tương lai vẫn còn nhiều rủi ro và cuộc đàm phán về giai đoạn tiếp theo có thể đột ngột tan vỡ như đã xảy ra vào đầu năm nay. Các nhà nghiên cứu kinh tế của ANZ Research nói việc soạn thảo bản thỏa thuận có thể là một quá trình khó khăn. Sự đổ vỡ đột ngột của các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ từ tháng 4 đến tháng 5, là ví dụ điển hình nhất cho chuyện rủi ro này.
Theo Đa Chiều