Ngày 31/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý khám và chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng và tự chăm sóc một số bệnh hậu COVID-19 cho cán bộ y tế. Hàng trăm bệnh viện trên cả nước đã tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19. Tuy nhiên, hậu COVID-19 vẫn còn hiện hữu và được biết đến với nhiều dấu hiệu.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) đã tổng kết trên 200 dấu hiệu của người sau mắc COVID-19. Nổi bật là các dấu hiệu cảnh báo cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế, tổn thương tại phổi như khó thở; mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ, các dấu hiệu về giọng nói sau đặt nội khí quản...
Và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về các dấu hiệu liên quan sau mắc COVID-19, có suy giảm chức năng ở các cơ quan, đòi hỏi phải có hướng dẫn của cán bộ y tế để người dân biết, tiếp cận, xử trí, nâng cao sức khỏe, phục hồi chức năng và trở về với công việc, đời sống thường ngày.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế phải nắm được định hướng của Bộ Y tế trong thời gian tiếp theo với dịch COVID-19.
“Các cán bộ y tế cập nhật các tài liệu hướng dẫn tư vấn, hướng dẫn, giúp người dân tự phát hiện, phục hồi chức năng và tự chăm sóc một số dấu hiệu hậu COVID-19; đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khám khi có các dấu hiệu nguy hiểm, báo động đỏ cần cấp cứu, hỗ trợ của nhân viên y tế”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám và chữa bệnh Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị |
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám và chữa bệnh - Bộ Y tế đã có Hướng dẫn về phục hồi chức năng sau mắc COVID-19 cho các cơ sở y tế, để người dân được khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng sau mắc COVID-19. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo củng cố hệ thống khám, chữa bệnh để thực hiện công tác cấp cứu, khám chữa bệnh thường quy, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu các cơ sở y tế cải tiến, tăng chất lượng khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người sau mắc COVID-19.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, các bệnh viện không thành lập Khoa, Phòng khám COVID-19 vì việc điều trị và phục hồi cho người bệnh cần kết hợp giữa nhiều chuyên khoa khác nhau.
Tại Hội nghị, các cán bộ y tế được các chuyên gia của Bộ Y tế tập huấn về công tác chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng và hướng dẫn tự chăm sóc các vấn đề sức khoẻ sau mắc COVID-19; Dấu hiệu “Báo động đỏ” và các vấn đề cần lưu ý sau mắc COVID-19; Nguyên tắc phục hồi chức năng hậu covid- 19; Kiểm soát khó thở; Hướng dẫn dinh dưỡng trong điều trị hậu COVID-19; Kiểm soát sự tập trung, trí nhớ và suy nghĩ rõ ràng; Kiểm soát căng thẳng, lo âu, trầm cảm và giấc ngủ...
Ngoài ra, các nội dung như kiểm soát và phục hồi triệu chứng đau sau mắc COVID-19; Hội chứng mệt mỏi kéo dài, chẩn đoán, điều trị; Lâm sàng, chẩn đoán và điều trị hậu COVID-19 ở cơ quan hô hấp; Lâm sàng, chẩn đoán và điều trị hậu COVID - 19 ở tim mạch; Lâm sàng, chẩn đoán và điều trị một số bệnh liên quan hậu COVID-19 ở trẻ em... cũng được các chuyên gia giới thiệu và giải đáp kỹ lưỡng.
Sơ đồ di chứng hậu COVID-19 đối với bệnh nhân |
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 10,7 triệu ca mắc, hơn 9,4 triệu bệnh nhân khỏi bệnh, gần 1,1 triệu bệnh nhân đang điều trị và trên 43.000 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, tổng số ca mắc trên cả nước giảm 2.109 ca (giảm 24%) so với cùng kỳ, tổng bệnh nhân tử vong giảm còn 3 ca (giảm 70%), số người khỏi bệnh tăng 3.087 (tăng 10%).