Phân tích về thực tế này trước Quốc hội chiều nay (27/10), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp có nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên và vấn đề giáo viên bỏ việc. Bộ trưởng cũng đề nghị, một trong các chính sách rất quan trọng là việc tăng lương cho giáo viên thì đã được Chính phủ tính toán và cũng sẽ là một giải pháp rất quan trọng giải quyết đời sống và tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ ra có 2 vấn đề, thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Hai vấn đề này khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Về việc thiếu giáo viên: Ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung, con số này lên đến 107.000. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc. Con số này cần tính toán để đảm bảo vừa duy trì hoạt động dạy và học bình thường và hơn thế, con số này tính toán để thực hiện các mục tiêu đổi mới, ,mục tiêu nâng cao chất lượng.
Một trong 3 yếu tố nâng cao chất lượng là giáo viên, cơ sở vật chất và chương trình, phương pháp.
Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, có thể nói, thiếu giáo viên vốn do từ nhiều năm về trước đã thiếu, do số lượng bỏ việc, giảm biên, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết. Thiếu do tăng dân số tự nhiên. Nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015, khi bắt đầu năm học 2015 - 2016 thì tổng số học sinh là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022 này, khi bắt đầu năm học thì số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên của tháng 9/2015 năm là 1.000.156 giáo viên cho bậc mầm non đến phổ thông, và đến thời điểm thấy 9/2022 thì có 1.227.000 giáo viên. Số giáo viên như vậy chỉ nhích thêm hơn 100.000, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.
Thiếu giáo viên do biến động dồn dịch về dân số, một số vùng miền dồn về các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Thiếu giáo viên do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là các nhóm trẻ tư thục thì số lượng đóng cửa rất lớn. Thiếu do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi. Thiếu do việc tăng từ học 1 buổi lên 2 buổi/ngày. Thiếu do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên trên học sinh và số học sinh trên lớp để đảm bảo chuẩn 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở bậc trung học. Chuẩn này đã được xác định từ năm 2010 và đến năm 2019, trong điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường trung học đã nhắc lại.
"Có thể nói, muốn nâng cao chất lượng thì không thể duy trì số lượng học sinh quá lớn trên lớp. Nếu số lượng học sinh/lớp mà 60 - 65 thậm chí hơn thế thì rất khó để nâng cao chất lượng dạy và học" - người đứng đầu ngành Giáo dục
Thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như: một thời gian dài không tuyển, không tuyển được, nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Mặt khác còn vấn đề thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các ngành khác.
Thiếu giáo viên do phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Chẳng hạn như môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2022, còn học sinh THPT học môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Theo con số thống kê thì chỉ số giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026 thiếu 26.228 giáo viên để đảm bảo cho môn học.
65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên đến năm 2026
Về giải pháp, Bộ trưởng Sơn cho rằng, vừa qua Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.
Một giờ học tại Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) |
Bộ trưởng cũng lưu ý, ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng. Đề nghị các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này. Trong số 65.000 chỉ tiêu, tuy là rải rác đến năm 2026 nhưng cũng mong ngành Nội vụ phối hợp với ngành Giáo dục để dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 và năm 2024. Bởi đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn và nếu như sau năm 2024, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã xong thì việc tuyển dụng không còn nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, việc dồn vào tuyển dụng cũng sẽ dẫn đến những khó khăn khác như nguồn tuyển và tăng chỉ tiêu đào tạo. Các địa phương cần tuyển ngay, tránh tình trạng để dồn 2-3 năm mới tuyển.
Một trong các chính sách rất quan trọng là tăng lương cho giáo viên, chính sách này đang được Chính phủ tính toán, sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.
Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra, giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, số nghỉ việc ở bậc mầm non chiếm trên 40%. Đề nghị, Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%, nếu tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở. Về phía ngành Giáo dục chúng tôi kiến nghị và rất mong muốn tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non.
Một chính sách nữa để giải quyết thiếu giáo viên, đó là cân nhắc việc giảm biên chế 10%, số này cân nhắc điều chỉnh ở tỷ lệ là giáo viên. Các địa phương đề nghị cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng đảm bảo việc tuyển dụng công khai, công bằng, tránh phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên. Nếu phát sinh vấn đế tiêu cực trogn tuyển dụng có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển. Đây là điều hết sức lưu ý, đề phòng.
Đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc các chỉ tiêu biên chế. Hiện còn thiếu căn cứ pháp lý cho việc này. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các Bộ, ngành để có cơ chế cho các địa phương thực hiện nội dung này.