Xin ông cho biết về vai trò của đào tạo trực tuyến với giáo dục nói chung?
Đào tạo trực tuyến là một trong những chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Khi chưa có dịch COVID-19 thì ngành giáo dục đã triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo trực tuyến.
Cụ thể với giáo dục đại học, năm 2016 Bộ đã ban hành Thông tư số 12 quy định về ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. Trong Thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể các điều kiện đảm bảo để tổ chức đào tạo trực tuyến trên cơ sở các trường tự chủ về chương trình, nội dung thực hiện. Với trường đại học, đào tạo trực tuyến có thể được áp dụng thay thế một phần nội dung của đào tạo truyền thống do nhà trường quyết định, trên cơ sở đảm bảo chất lượng.
Đối với giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường. Theo đó, giáo viên có thể ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên có thể thiết kế học liệu số, đặc biệt các bài giảng e-Learning giúp học sinh tự học, việc kiểm tra - đánh giá học sinh cũng có thể ứng dụng CNTT rất hiệu quả.
Cùng với việc đó, Bộ cũng đã tổ chức các cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng điện tử e-Learning cho giáo viên nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT của giáo viên, đồng thời xây dựng Kho học liệu dùng chung toàn ngành, đóng góp Hệ tri thức Việt số hóa và giúp học sinh có thể tự học thông qua mạng Internet. Một trong những mục tiêu mà chúng tôi mong muốn là học sinh ở vùng khó khăn nhất cũng có thể được học (qua mạng) bài học của những giáo viên dạy giỏi nhất.
Tới nay, Kho học liệu số của ngành đã thu thập được khoảng 5.000 bài giảng điện tử để chia sẻ miễn phí trên mạng Internet. Qua theo dõi của Cục CNTT, trong những ngày vừa qua lượng truy cập vào kho học liệu số của ngành tăng đột biến so với trước đây.
Như ông đã biết, kỳ nghỉ Tết Âm lịch vừa qua đã bị kéo dài do dịch cúm COVID-19. Một số trường học đã triển khai đào tạo trực tuyến cho học sinh. Ông có nhận xét gì về thực tế này?
Trong thời gian xảy ra dịch cúm COVID-19 vừa qua, để đảm bảo sức khỏe thì học sinh tạm thời nghỉ học. Qua đó, nhiều trường phổ thông đã chủ động liên lạc với phụ huynh, học sinh bằng các công cụ trực tuyến để nắm bắt tình hình các cháu. Một số trường, giáo viên ứng dụng CNTT để giao bài tập, hướng dẫn học sinh ôn bài, học qua mạng tùy theo nhu cầu và điều kiện thực hiện của mình. Giáo viên dùng các công cụ mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Nhiều trường cũng sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, nhiều tập đoàn CNTT cũng vào cuộc để cung cấp cho giáo viên và học sinh sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến miễn phí như tập đoàn Viettel, VNPT, Microsoft Vietnam, HocMai… Điều này thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt về chung tay hỗ trợ cộng đồng trong lúc khó khăn, cụ thể là thời điểm dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.
Giáo viên Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) tập huấn dạy học trực tuyến. Ảnh: VietnamNet
|
Đối với giáo dục phổ thông, các hình thức e-Learning trong đó có dạy và học qua mạng có vai trò hỗ trợ, bổ trợ cho hoạt động dạy học trên lớp học, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng học tập của học sinh; giúp mở rộng không gian học tập (không gian số) để học sinh có thể tự học, học mọi lúc, mọi nơi.
Giáo dục trực tuyến tuy có nhiều ưu điểm. Nhưng cái khó là phải có thiết bị đầu cuối. Theo ông, chúng ta cần làm gì để vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận?
Giáo dục trực tuyến chỉ thực hiện được khi học sinh có thiết bị đầu cuối như máy tính nối mạng, điện thoại thông minh, máy tính bảng… ở nhiều nơi, điều kiện này vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, tôi tin rằng, khi chúng ta triển khai các hoạt động giáo dục trực tuyến có hiệu quả thì các bậc phụ huynh sẽ có những đầu tư xứng đáng cho con em mình, nhiều tổ chức trong xã hội cũng sẽ chung tay với ngành giáo dục triển khai, giúp giáo viên và học sinh trên cả nước có điều kiện áp dụng những công nghệ hiện đại trong các hoạt động dạy-học.