Thông tin được đưa ra tại workshop trực tuyến “Nổi bật và khác biệt trong mùa tuyển sinh 2023” diễn ra mới đây.
Tại Hội thảo, Adsota đã đưa ra một khảo sát thực hiện gần đây cho thấy, ngành giáo dục đang đứng trước sức nóng cạnh tranh khốc liệt khi có hơn 2.900 trường được thành lập từ 2016-2021, hơn 4.000 đơn vị giáo dục ngoài công lập (2022) cùng hàng trăm thương hiệu Edtech (công nghệ giáo dục) đang chạy đua tìm kiếm học viên trên thị trường. Điều này tạo nên nét mới của chuyển đổi số ngành giáo dục thời gian gần đây.
Xuất phát từ nhu cầu học và trải nghiệm của học sinh, các trường ngày nay không chỉ hướng đến việc cung cấp kiến thức hàn lâm mà còn tập trung gia tăng mức độ khám phá, tìm tòi những cái mới, giúp học viên bắt kịp xu hướng, linh hoạt và sáng tạo trong thời đại công nghệ. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng mong muốn con “học là phải hạnh phúc” thay vì học chỉ để tìm kiếm việc làm như trước đây.
Insight học sinh nay đã có nhiều khác biệt - theo đánh giá của Adsota. |
Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn trường công lập tại Việt Nam (năm 2021) của Adsota cho thấy, 30% học sinh chọn trường thông qua Internet, 26% nhờ ý kiến phụ huynh, bạn bè.
"Có thể nói, mức độ ảnh hưởng của cha mẹ đối với quyết định chọn trường của con cái dần ít hơn so với sự tiếp nhận, tham chiếu thông tin từ Internet. Vì vậy, để thu hút học viên trước hết các trường cần nắm vững sự dịch chuyển trong hành vi, tâm lý của học sinh, sinh viên" - ông Đặng Phú Vinh - CEO công ty Adsota nhận định.
“Làm mới” những thứ vốn đã gắn bó lâu đời thương hiệu
Đặt mục tiêu đổi mới, sáng tạo để bắt kịp xu hướng thị trường đa sắc màu, các trường hiện nay đang nỗ lực chuyển mình cho thương hiệu như thay đổi định hướng, bộ nhận diện, tuyên ngôn, khẩu hiệu… Tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng “làm mới” những thứ vốn đã gắn bó lâu đời thương hiệu. Vậy các trường nên làm gì để vừa khác biệt, sáng tạo nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi vốn có?
Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng, các trường nên liên tục làm mới những giá trị vốn có và tận dụng nó trở thành "lợi điểm bán hàng độc nhất". |
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thành - Phó Viện trưởng Viện chiến lược Chuyển đổi số DTSI, Đồng sáng lập Elite Pr School chia sẻ: “Sự khác biệt của thương hiệu nằm ở việc nắm giữ sợi dây liên kết giữa Cái ta là và Cái ta làm”.
Cụ thể, “Cái ta là” là gốc rễ, giá trị thực mà các trường đem lại cho người học và phụ huynh thông qua tên gọi, tầm nhìn, sứ mệnh và lời hứa thương hiệu. “Cái ta làm” là hành động thực thi để làm nổi bật, khác biệt và sáng tạo dựa trên “Cái ta là” vốn có.
Hành động đó được thể hiện qua màu sắc, logo, tagline, đồng phục, nội dung, hình ảnh… hoặc từ những câu chuyện, giai thoại, lịch sử, truyền thống được nhà trường truyền tải khéo léo thông qua các kênh tiếp cận trên nền tảng số nhằm làm nét hơn những thế mạnh vốn có của nhà trường.
"Sáng tạo là một điều rất khó đối với các trường, nên cách tốt nhất là đổi mới cách truyền thông, liên tục làm mới những giá trị vốn có và tận dụng nó trở thành "lợi điểm bán hàng độc nhất" (Unique selling point - USP) của nhà trường" - ông Nguyễn Đình Thành nói thêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng marketing giáo dục có nhiều sự thay đổi khi các trường công lập, tư thục, Edtech đang chạy đua thu hút học viên. Đồng thời, tâm lý hành vi, các quyết định chọn trường của người học, phụ huynh chịu tác động lớn của công nghệ và Internet trong khi chương trình đào tạo giữa các trường không có quá nhiều sự khác biệt./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu