Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng, cần thiết của mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công phu xây dựng và hoàn thành dự thảo Đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học để báo cáo Thủ tướng.
“Ngoài tài nguyên giáo dục mở, trong thời gian tới, Bộ sẽ thúc đẩy mô hình giáo dục số. Vấn đề cốt lõi của mô hình này chính là học liệu được chia sẻ. Cái này mang lại lợi ích rất lớn cho các bên liên quan”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cuộc họp này được tổ chức nhằm lắng nghe các bên liên quan làm rõ nội dung quan trọng của dự thảo Đề án, hướng tới hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm thúc đẩy xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở. Trong đó có các quy định về cấp phép mở, giấy phép mở, truy cập mở, phát hành mở, xuất bản tài nguyên mở; quy định về năng lực số, quyền sử dụng tài liệu; ….
Tại cuộc họp, chuyên gia Lê Trung Nghĩa (Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam) nhấn mạnh khái niệm tài nguyên giáo dục mở và giấy phép mở. Theo đó, trong Tài liệu khuyến nghị tài nguyên giáo dục mở được 193 quốc gia thành viên UNESCO phê chuẩn vào ngày 25/11/2019, tài nguyên giáo dục mở được định nghĩa là các kinh nghiệm dạy, học và nghiên cứu ở bất cứ định dạng và phương tiện nào, hoặc là nằm trong phạm vi công cộng, hoặc là có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất tiền, không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại.
Từ đó, ông Lê Trung Nghĩa cho rằng, bản quyền, sở hữu trí tuệ và cấp phép mở đều nằm sẵn trong định nghĩa tài nguyên giáo dục mở được 193 quốc gia phê chuẩn. Nếu như gắn giấy phép mở vào tài nguyên giáo dục của mình tức là tác giả đã trao quyền trước cho người sử dụng; người sử dụng chỉ cần tuân thủ các điều khoản, điều kiện trong giấy phép đã được gắn vào tài nguyên đó chứ không cần xin phép tác giả nữa.
Ông Lê Trung Nghĩa khẳng định, cần có chính sách để càng nhiều càng tốt các kiến thức khoa học là mở, được cấp phép mở, đặc biệt là các kiến thức khoa học được tạo ra từ ngân sách nhà nước, từ tiền của những người đóng thuế, miễn là chúng không phải là các kiến thức khoa học thuộc về lĩnh vực an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân, trên cơ sở hài hòa hóa lợi ích của các bên liên quan tới khoa học mở.
Cuộc họp ghi nhận nhiều trao đổi, đóng góp cụ thể từ đại diện các bộ, ngành, chuyên gia. Đa số ý kiến đều khẳng định sự cần thiết của đề án, đồng thời cho rằng, nếu thực hiện được, mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở sẽ là đổi mới trong giáo dục và đổi mới trong chuyển đổi số.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của đề án là xây dựng mô hình chứ không phải xây dựng kho, nguồn tài nguyên giáo dục mở. Mô hình này có thể rải rác ở khắp nơi và tận dụng tài nguyên của thế giới. Ba vấn đề được Thứ trưởng lưu ý là:
Thứ nhất, mục tiêu bao trùm của mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở là làm sao để nhiều người tiếp cận, sử dụng những học liệu, tài nguyên có chất lượng; đi kèm theo là xây dựng xã hội học tập, giảm chi phí, nâng cao chất lượng. Đây là vấn đề rất mới ở Việt Nam, trên thế giới tới 2019 cũng mới có khuyến cáo của UNESCO. Từ khuyến cáo đó và những kinh nghiệm thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai mô hình này, tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ pháp lý, tính cần thiết, thực tiễn. Theo đó, ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến và giải trình, thuyết minh kỹ lưỡng hơn trong tờ trình Thủ tướng.
Thứ hai, cần khoanh vùng phạm vi tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, để làm sao quy trình đưa tài nguyên lên đơn giản, ít thủ tục nhưng phải đảm bảo chất lượng về mặt chuyên môn, đảm bảo yêu cầu của ngành Giáo dục, đáp ứng nhu cầu người học và có sự kiểm soát quản lý của Nhà nước.
Thứ ba, ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến trao đổi để chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung nhiệm vụ trong đề án ngắn gọn hơn, bao trùm hơn, có danh mục, đầu mục rõ ràng. Đối với việc xây dựng Nghị định để triển khai đề án này, nếu các bộ liên quan đồng ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng chủ trì nhằm chi tiết hóa phạm vi, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn,… của mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.