Việt Nam có cơ hội đẩy nhanh việc nâng cao trình độ nhân lực về thiết kế vi mạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo Cục Công nghiệp ICT, việc lãnh đạo IMEC đến Việt Nam và làm việc với Bộ TT&TT đánh dấu bước hợp tác mới, mở ra cơ hội lớn để chúng ta nâng cao trình độ công nghệ trong nghiên cứu và sản xuất vi mạch.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng Việt Nam có thế mạnh để dần dần xây dựng hệ sinh thái vi mạch.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng Việt Nam có thế mạnh để dần dần xây dựng hệ sinh thái vi mạch.

Nội dung này được ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghiệp ICT Bộ Thông tin và Truyền thông - trao đổi với báo chí bên lề tọa đàm “Tăng cường hợp tác đầu tư với Trung tâm vi điện tử liên đại học - IMEC và Việt Nam” - diễn ra ngày 10/5.

Theo quan điểm của ông Nghĩa, trong ngành công nghiệp vi mạch, không một quốc gia nào - kể cả các nước lớn - có thể làm việc đơn lẻ. Vì thế, Việt Nam định hướng sẽ tham gia từng phần vào hệ sinh thái công nghiệp này.

"Cũng như khuyến nghị của IMEC, chúng ta sẽ tham gia từng bước. Bước đầu tiên có thể chúng ta sẽ cung cấp các dịch vụ như đóng gói, kiểm thử, cung cấp các dịch vụ thiết kế cho các tập đoàn lớn. Sau đó, chúng ta sẽ cân nhắc có hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, hoặc là sẽ đi sâu hơn vào lĩnh vực đóng gói, kiểm thử" - Phó Cục trưởng nói.

Nói về những thế mạnh để phát triển lĩnh vực này của Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng, ở thời điểm hiện nay, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là nhân lực. Cụ thể như, IMEC có hơn 5.500 chuyên gia hàng đầu thì đã có 5 người Việt Nam.

"Tôi cho rằng số lượng kỹ sư tốt nghiệp hàng năm như cộng đồng điện tử khoảng 5.000 người và riêng vi mạch là khoảng 50 người, tôi nghĩ chúng ta có thể xem đây là 1 thế mạnh để dần dần xây dựng hệ sinh thái vi mạch tại Việt Nam" - ông Nghĩa trao đổi với báo chí.

Về mục tiêu ngắn hạn, trong năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng IMEC sẽ cố gắng có hợp tác đào tạo bước đầu tại Việt Nam, lý tưởng nhất là sẽ có trung tâm đào tạo được IMEC hỗ trợ trong năm 2023. Cơ sở cho việc này hiện đã khá tốt, như SaigonHightech Park, VNU cũng đã có phòng thí nghiệm và những khóa đào tạo. Ông Nghĩa bày tỏ rất hy vọng sẽ nâng tầm khóa đào tạo này lên bước mới, qua hợp tác chiến lược cùng IMEC.

Được biết, tọa đàm “Tăng cường hợp tác đầu tư với Trung tâm vi điện tử liên đại học - IMEC và Việt Nam" diễn ra ngày 10/5 là sự kiện với sự góp mặt của đại diện các đơn vị đang tham gia vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Khu công nghệ cao TP.HCM, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), Viettel, FPT, VNPT, NTQ Solution,…

Phó Chủ tịch IMEC Lode Lauwers giới thiệu, IMEC là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới trong công nghệ chip bán dẫn. IMEC hiện có hơn 5.500 nhà nghiên cứu, chuyên gia từ hơn 90 quốc gia làm việc. Ông Lode Lauwers cũng cho rằng, để phát triển ngành bán dẫn cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực.

“Chúng ta có nhiều ý tưởng, sáng kiến nhưng nếu không có nguồn nhân lực có kỹ năng tốt thì không thể triển khai thành công các ý tưởng đó" - ông Lode Lauwers nói và khẳng định có nguồn nhân lực tốt là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.