"Đại chiến" taxi
Bộ trưởng GTVT: Uber, Grab lỗ nặng vì giảm giá để “giết” taxi truyền thống?
VietTimes -- Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ tham mưu theo hướng xem Uber, Grab là loại hình vận tải như phán quyết của tòa châu Âu, "để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh" tránh tình trạng "cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống thông qua việc giảm giá tối đa để ‘giết’ taxi truyền thống".
Yêu cầu này được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Dẫn
phán quyết ngày 20/12/2017 của Tòa Công lý châu Âu (ECJ) về việc nhìn nhận Uber là một công ty vận tải thông thường, thay vì là một ứng dụng công nghệ, do đó phải tuân thủ các quy định tương tự như một hãng taxi thông thường tại EU, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, việc Uber và Grab hoạt động "có nước ủng hộ, có nước không", nhưng ở Việt Nam, Uber, Grab muốn hoạt động thì phải định hướng vào loại hình nào để vừa cạnh tranh bình đẳng với các loại taxi khác, vừa đảm bảo an toàn cho người dân.
Vừa qua, theo phán quyết của Tòa án công lý châu Âu, Uber là loại hình vận tải, vì vậy các đơn vị phải tham mưu cho Bộ ra chính sách quản lý Uber, Grab quản lý đối tượng này đúng quy định, đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, chống thất thu thuế, đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng loại hình này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu làm rõ vì sao Uber, Grab lỗ mỗi năm cả ngàn tỷ đồng, do trốn thuế, hay để cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống thông qua việc giảm giá tối đa để ‘giết’ taxi truyền thống (?!).
“Một loại hình có biểu hiệu trốn thuế, không có thông tin tài xế, logo tới lúc xảy ra cướp giật giết người, ai chịu trách nhiệm? Định hướng quản lý phải làm sao chống thất thu thuế, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc định danh Uber, Grab là loại hình dịch vụ gì lại đang làm đau đầu các nhà cơ quan quản lý nhà nước.
Được biết, tại Hội nghị Tổng kết 2 năm Đề án thí điểm ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải của Bộ GTVT, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, TP.HCM đang xây dựng quy hoạch phương tiện nhưng rất lúng túng, hiện mới tập trung vào taxi và muốn biết rõ Uber, Grab là taxi hay tương tự taxi để quy hoạch rõ ràng.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội quyết định quản lý loại hình này như taxi, phù hợp với bản chất hơn là xe hợp đồng.
Cũng về việc này, lãnh đạo Hãng taxi Vinasun cho biết, phần mềm kết nối đặt xe của Uber, Grab là đang cung cấp trực tiếp chỉ đạo kinh doanh chứ không chỉ cung cấp phần mềm. Do đó, ông này cho rằng cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là taxi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thực chất, Uber, Grab chỉ là doanh nghiệp cung cấp phần mềm, hoạt động như là một sàn giao dịch giữa lái xe và người sử dụng. Tuy hoạt động này tương tự như một doanh nghiệp taxi, nhưng theo quy định tại pháp luật về giao thông vận tải, thì là loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng.
Như VietTimes đã đưa tin, phản hồi về phán quyết của Tòa Công lý châu Âu, Uber cho biết, Uber triển khai cùng một công nghệ trên khắp thế giới, nhưng mỗi Chính phủ và Cơ quan quản lý có một khung pháp lý riêng và Uber luôn tuân thủ.
Đồng thời, Uber Việt Nam nhấn mạnh, phán quyết này chỉ áp dụng cho dịch vụ cung cấp bởi các tài xế không đăng ký kinh doanh vận tải, và loại hình dịch vụ này không nằm trong khuôn khổ Đề án Thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam khởi xướng.