Tại buổi thảo luận về Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều 26/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ quan điểm, dự thảo Luật sửa đổi lần này có nhiều sự thay đổi rất căn bản với mục tiêu nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân; đảm bảo phát triển công bằng giữa cơ sở nhà nước và tư nhân.
Người đứng đầu ngành y tế đặt vấn đề, hiện nay nước ta có 27 trường đào tạo khối ngành y, chất lượng đào tạo của các trường khác nhau. Nhưng, muốn đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh thì chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng.
Do đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề bước đầu phải đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ. Hiện nước ta chưa có chuẩn chung trong chất lượng nên trong dự thảo Luật xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp của các bác sĩ và các đối tượng khác.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã làm rõ một số vấn đề, trong đó có việc thi cấp chứng chỉ hành nghề. Bộ trưởng cho hay biết, tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ chỉ mỗi Việt Nam là nước duy nhất không thi cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường như thế nào.
Theo phân tích của Bộ trưởng Long, việc cấp chứng chỉ hành nghề bắt buộc bác sĩ phải tham dự các kỳ thi và có giá trị trong vòng 5 năm. Nhưng để đảm bảo cho việc thuận lợi cũng như tạo mọi điều kiện, đặc biệt để khuyến khích với các bác sĩ khi ra hành nghề thì phải nâng cao năng lực, phải học tập suốt đời.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. |
Vì vậy, trong dự thảo Luật đưa ra 2 cách thức có thể cấp: Một là trong giai đoạn 5 năm đó có thể tham gia các hội thảo, chuyển giao các kỹ thuật, có thể triển khai những chuyên môn mới. Hai là, nếu như không có những yếu tố trên thì bắt buộc phải học lại.
Như vậy chúng ta đảm bảo rằng, một bác sĩ khi ra trường, tốt nghiệp là đã có thể hành nghề được, trong quá trình đó thì năng lực bác sĩ hành nghề sẽ được nâng lên.
"Đây là điều mà chúng tôi mong muốn, còn nếu bây giờ cấp chứng chỉ suốt đời thì không có động lực cho bác sĩ phải học. Đó là lý do vì sao lần này chúng tôi đưa ra việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ trước, sau đó mới đến các đối tượng khác. Nếu làm được như vậy thì chúng ta đã hội nhập quốc tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu quan điểm.
Cũng trao đổi liên quan việc cấp chứng chỉ hành nghề của các chức danh khác trong lĩnh vực y tế, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình (Đoàn Thái Bình) - cho biết, trong sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh, bà quan tâm tới vấn đề đang xin ý kiến là cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ quan soạn thảo có đề nghị ngừng cấp chứng chỉ hành nghề từ 1/1/2025 đối với đối tượng y sĩ và chỉ để y sĩ trong lực lượng vũ trang.
"Theo tôi, cần tính toán lại vì đối tượng y sĩ này đang công tác ở tuyến y tế cơ sở là chính. Đại dịch COVID-19 vừa rồi cho thấy thấy y tế cơ sở đang yếu cả về số lượng và chất lượng, những người y sĩ là những người hoạt động tích cực ở tuyến này. Không những như thế, các cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng đang thiếu nhân lực y tế và đối tượng y sĩ phù hợp với các đơn vị này" - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình nhấn mạnh.
Theo Đại biểu Dung, y sĩ được đào tạo 2-3 năm như trước thì không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân cũng như thực tế. Vấn đề ở đây đặt ra không phải là ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với đối tượng này, đồng nghĩa bỏ mã chức danh này.
"Chúng ta phải xem xét nâng cao trình độ đào tạo đối với chức danh y sĩ để họ đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Đây là lực lượng cần thiết cho y tế cơ sở khi chúng ta không đảm bảo bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở hiện nay" - Đại biểu Dung kiến nghị.