Tuyên bố trên trang web của Lầu Năm Góc ngày 28/8 cho biết, theo các yêu cầu luật định tại Mục 1237 của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho Năm tài chính 1999 (Section 1237 of the National Defense Authorization Act for Fiscal Year 1999), họ đã công bố tên các doanh nghiệp quân đội Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp hoạt động tại Hoa Kỳ. Đây là bước tạo cơ sở cho hành động tiếp theo là trừng phạt các công ty này.
11 công ty bị nêu trong danh sách này bao gồm Tổng công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc, Viện nghiên cứu Công nghệ Xe chở Tên lửa Trung Quốc, Công ty TNHH vệ tinh Đông Phương Hồng, Công ty TNHH Tập đoàn Truyền thông Mạng liên hợp Trung Quốc, Công ty TNHH Điện tử Trung Quốc, Tập đoàn công ty Hóa chất Quốc gia Trung Quốc, Tổng công ty Hóa chất Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Sinochem, Tổng công ty Tập đoàn Xây dựng Nhà nước Trung Quốc, Tổng công ty Tam Hiệp Trung Quốc và Tổng công ty Xây dựng và Kỹ thuật Hạt nhân Trung Quốc.
Tập đoàn công ty xây dựng Giao thông Trung Quốc là công ty bị đưa vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng, trước đó đã bị Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ trừng phạt (Ảnh: Sohu).
|
Tuy nhiên, 11 công ty bị nêu tên sẽ không bị trừng phạt ngay lập tức mà Tổng thống Mỹ có thể căn cứ theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 1999, có quyền sử dụng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) chống lại hoạt động của các công ty này tại Hoa Kỳ, áp dụng các biện pháp trừng phạt bao gồm cả việc phong tỏa mọi tài sản của các bên được liệt kê.
Trước đó, ngày 12/6, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập danh sách 20 công ty công nghệ cao của Trung Quốc, bao gồm Huawei và Hikvision, là các công ty “sở hữu, kiểm soát hoặc liên kết với quân đội Trung Quốc” và tuyên bố rằng họ sẽ bổ sung các bản cập nhật thêm nhiều thực thể khi thích hợp.
Hãng tin Anh Reuters chỉ ra rằng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã bị áp lực bởi cả hai đảng trong Quốc hội phải công bố danh sách, điều này có khả năng tiếp tục làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngoài danh sách mới của Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/8 cũng đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách các thực thể (Entity List) và 12 cá nhân với cáo buộc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo nhân tạo này.
24 công ty và 12 cá nhân Trung Quốc đã bị Mỹ trừng phạt vì xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông (Ảnh: Đông Phương).
|
Đáp lại quyết định hôm 26/8 của phía Mỹ, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào ngày 27/8, Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi hành động của các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt là “hoạt động xây dựng có liên quan của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền và không liên quan đến quân sự hóa”, rằng “việc các doanh nghiệp, cá nhân Trung Quốc tham gia vào các hoạt động xây dựng của đất nước mình là hợp tình hợp lý, Mỹ không có lý do gì để áp đặt các biện pháp trừng phạt”.
Triệu Lập Kiên gọi hành động này của Mỹ là “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế liên quan, hoàn toàn là logic bá quyền và cường quyền chính trị”. Ông ta “kêu gọi Mỹ sửa chữa sai lầm và ngừng ngay việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và đe dọa “Trung Quốc sẽ kiên định thực hiện các biện pháp, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và cá nhân của mình”.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu