Bộ Giao thông bác kiến nghị dừng Grab và Uber của Hiệp hội taxi Hà Nội
Ánh Dương
VietTimes -- Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản nào từ Hiệp hội taxi Hà Nội về kiến nghị dừng khẩn cấp Grab và Uber. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GTVT là "Đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng, việc gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm".
Bộ GTVT mới đây đã có ý kiến trả lời kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội về việc cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm Grab, Uber trong tháng 9/2017 và tiến hành tổng kết đánh giá các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội
Theo đó, về kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, các xe hợp đồng hoạt động kiểu Uber, Grab không bị quản lý, không bị ràng buộc như taxi truyền thống, gây thiệt thòi và bất công bằng đối với taxi truyền thống, đại diện Bộ GTVT khẳng định: “Nói xe hợp đồng không bị quản lý là không đúng, xe hợp đồng mắc lỗi nhiều và bị xử lý cũng rất nhiều”.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, bản chất của hoạt động Uber và Grab chỉ là hình thức thay hợp đồng bằng giấy sang hợp đồng điện tử và đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ: giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, thiết bị giám sát hành trình... Tuy nhiên, về giá thì xe taxi có gắn đồng hồ, nhưng xe hợp đồng điện tử có thỏa thuận giá từ trước nên việc áp dụng đồng hồ tính tiền với xe hợp đồng là không cần thiết.
Bên cạnh đó, việc xử phạt các xe vi phạm quy định được thông qua thiết bị giám sát hành trình. "Tháng nào Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng thống kê xe chạy quá tốc độ, vi phạm thời gian làm việc gửi về các đơn vị xử lý. Nếu xe không có phù hiệu như quy định thì xử phạt (5 triệu đồng/xe).... Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã quản lý về mọi mặt đối với loại hình này", đại diện Bộ GTVT khẳng định.
Về quản lý số lượng xe, đại diện Bộ GTVT cho rằng theo Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, UBND các tỉnh phải quy hoạch phương tiện vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn. "Như vậy, địa phương phải xem xét số lượng xe phù hợp với khả năng kết cấu hạ tầng và nhu cầu của người dân...", đại diện Bộ GTVT thông tin.
Còn về thời gian thí điểm, Thủ tướng đã đồng ý cho thí điểm hợp đồng xe điện tử là 2 năm (1/1/2016 đến 1/1/2018), như vậy chỉ còn vài tháng nữa sẽ tổng kết thí điểm và đánh giá kết quả thí điểm trong hai năm qua. Kết quả đánh giá này sẽ có các mặt ưu, nhược điểm. "Bộ sẽ căn cứ vào đó và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung vào Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.... cho phù hợp", đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đánh giá ban đầu cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp giảm chi phí cho xã hội, nâng cao năng suất lao động, tạo ra một lượng việc làm lớn, thu nhập cao cho người lao động và đáp ứng được nhu cầu lớn của xã hội.
Về phía người dân, loại hình Uber, Grab đi vào hoạt động được người dân đón nhận tích cực do thái độ phục vụ thân thiện, giá cả minh bạch, chất lượng xe tốt.Trong đó, phải kể đến việc loại hình Uber, Grab đã loại bỏ được tình trạng "giá xăng tăng nhẹ, giá cước tăng phi mã và không bao giờ hạ".
Ngoài ra Uber, Grab không chạy lòng vòng tìm khách như taxi truyền thống, mức độ an toàn cũng cao hơn. Đặc biệt, hiện chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông nào nghiêm trọng của các xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.
Về việc taxi truyền thống “tố” Uber trốn thuế, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu Uber có vi phạm quy định thì trách nhiệm giải quyết, truy thu thuộc cơ quan thuế, vi phạm về thuế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình là việc hồi cuối tháng 9 vừa qua, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt và truy thu thuế với số tiền 66,8 tỷ đồng, tương đương 3 triệu USD với công ty này. Đây là kết quả thanh tra thuế sau kể từ khi Uber hoạt động tại Việt Nam đến thời điểm tháng 6/2017. Lý do công ty này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.
Trên thực tế, một loại hình kinh doanh có tồn tại và phát triển được hay không đều phải được người dân, hành khách lựa chọn sử dụng. Nếu taxi truyền thống có thể phục vụ hành khách tốt hơn Uber, Grab thì người dân sẽ lựa chọn taxi truyền thống thay vì Uber, Grab và không thể xẩy ra những kiến nghị này.
Hơn nữa, vừa qua, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã ký với Sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực vận tải hành khách, chính thức chen chân vào thị trường vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử.
Như vậy, có thể thấy, thị trường vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử vẫn còn những phần "đất diễn" cho các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên vấn đề nằm ở việc một số đơn vị taxi truyền thống vẫn giữ những quan điểm cũ, không chịu đổi mình để cạnh tranh, vì vậy nên hụt hơi trong cuộc đua thị phần này.
Hiện nay, đã xuất hiện 8 đơn vị taxi truyền thống áp dụng công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử, thậm chí là công nghệ tối ưu hơn Uber, Grab, dịch vụ đặt chỗ không chỉ là phần mềm cài đặt trên điện thoại mà còn sử dụng cả mạng xã hội facebook, các doanh nghiệp này đang dần kéo lại được thị phần của mình.
Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động, bởi cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng”, đại diện Bộ GTVT nói. Với taxi truyền thống, cần thay đổi tư duy kinh doanh vận tải và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách và tham gia cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, đại diện Bộ GTVT khuyến cáo.
Tại “Tọa đàm Chính sách quy hoạch giao thông trong kỷ nguyên số - Góc nhìn của các nhà kinh tế” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ( VEPR) tổ chức diễn ra vào ngày 8/9, các diễn giả đã nhận định: Việc hạn chế Grab, Uber là điều không khả thi và có thể gây ảnh hưởng xấu đến thị trường, nhà nước và xã hội.
Hơn nữa, Grab, Uber là loại hình ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi đó Chính phủ đang kêu gọi thúc đẩy CMCN 4.0. Như vậy, nếu từ chối Uber, Grab hay cho phép địa phương thiết lập rào cản với loại hình này sẽ phát đi thông điệp vô hình chung chung, nói áp dụng khoa học công nghệ nhưng thực tế không làm được.
Như vậy, thay vì đặt các điều kiện kinh doanh đối với Grab, Uber, tại sao không yêu cầu các hãng taxi truyền thống phải sử dụng những công nghệ mới để giảm chi phí, tối ưu nguồn lực xã hội như Grab, Uber.
Thực tế, việc ứng dụng công nghệ như tại Grab, Uber là hợp với chính sách chung của Đảng và Nhà nước, về một nền kinh tế không dùng tiền mặt, về việc tận dụng khoa học công nghệ để tiến lên cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các nhà quản lý chính sách phải khuyến khích chính quyền địa phương hạn chế taxi truyền thống để đẩy mạnh mô hình ứng dụng công nghệ này.