Mới đây, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ James Mattis đã có chuyến thăm châu Á và đã có những phát biểu quan trọng trong một cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tại Tokyo. Phát biểu của ông Mattis chủ yếu tái khẳng định giữ nguyên chính sách thời ông Obama đối với khu vực, xoa dịu các quan ngại về những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong phiên điều trần trước quốc hội. Phát biểu của ông Tillerson ngụ ý rằng Mỹ có thể sẽ cố gắng phong tỏa Trung Quốc. Ông Tillerson sau đó đã làm rõ rằng theo ông Mỹ chỉ nên hành động như vậy khi có “sự cố bất ngờ” xảy ra.
Mỹ tiếp tục hoạt động thực thi tự do hàng hải
Phát biểu của ông Mattis ở Tokyo, đặc biệt là lưu ý vấn đề này chỉ có thể giải quyết tốt nhất bởi các nhà ngoại giao, được Bắc Kinh nhìn nhận một cách tích cực. Ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự đồng tình với quan điểm cho rằng ngoại giao là cách tiếp cận hợp lý để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Tuy nhiên, The Diplomat cho rằng không nên coi tuyên bố của ông Mattis là lời bảo đảm rằng cách tiếp cận của ông Obama tới Biển Đông sẽ được hoàn toàn giữ nguyên dưới chính quyền ông Trump. Quả thực, chính quyền ông Trump vẫn đang xem xét chính sách của chính quyền tiền nhiệm và có thể thay đổi nhiều điểm cũng như cách tiếp cận.
Nikkei Asian Review dẫn nguồn thông tin chính thức của Nhật Bản cũng cho rằng ông Mattis thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn khi đối thoại cá nhân với các quan chức Nhật Bản hơn những gì ông thể hiện trong buổi họp báo. Theo Nikkei Asian Review, “ông Mattis rõ ràng coi nhu cầu tìm kiếm sự ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc là sự bắt nạt các nước láng giềng”. Đáng chú ý hơn, ông Mattis còn vạch ra chi tiết kế hoạch tăng cường các chiến dịch thực thi tự do hàng hải trên Biển Đông.
“Nhiều nguồn tin cho rằng ông Mattis nói Mỹ sẽ không bao dung với các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông nữa. Ông cam kết sẽ đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ tự do hàng hải, điều này đã thể hiện lập trường quyết liệt hơn so với chính quyền trước trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc xây dựng quân sự hóa khu vực. Cụ thể, Mỹ dự định tăng cường tần suất các cuộc tuần tra trong khu vực lãnh hải 12 hải lí quanh các đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển”.
Bắt đầu từ tháng 10/2015, chính quyền Obama đã tiến hành 4 chiến dịch thực thi tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông để thách thức các tuyên bố lãnh thổ phi pháp, vô lý của Trung Quốc. Các hoạt động này diễn ra trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và thách thức những đòi hỏi chủ quyền vô lối của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Chính quyền Obama từng dự định sẽ liên tục thực hiện các FONOP nhưng thực tế lại không làm được. Hoạt động thực thi tự do hàng hải thứ tư và cũng là hoạt động gần đây nhất của tàu khu trục USS Decatur ở quần đảo Hoàng Sa vào tháng 10/2016 diễn ra sau khi đã bị trì hoãn 164 ngày, kể từ khi tàu USS William P. Lawrence thực hiện tuần tra gần Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa vào tháng 5/2016.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mattis báo hiệu Mỹ quyết tâm muốn tái khởi động và duy trì FONOP trên Biển Đông dưới chính quyền ông Trump có vẻ khả thi. Nếu thông tin của Nikkei Asian Review là chính xác, người ta sẽ sớm chứng kiến chiến dịch thực thi tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ dứt khoát tuyên bố tự do biển khơi quanh Đá Chữ Thập, Đá này thuộc quần đảo Trường Sa hồi tháng 7/2016 đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực The Hague tuyên bố không có lãnh hải và không có thực thể nào khác được coi là đảo theo định nghĩa của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Diplomat đánh giá, một chiến dịch khẳng định tự do hàng hải sẽ bị Trung Quốc coi là khiêu khích, nước này coi chương trình tự do hàng hải của Mỹ là một thủ thuật để Mỹ quân sự hóa Biển Đông. Mỹ với chính sách không tuyên bố chủ quyền với các thực thể ở đây và không đứng về bên nào, lập luận rằng chương trình này chỉ đơn giản là làm rõ các quyền mà tất cả các nước đều được hưởng theo luật pháp quốc tế bằng việc phản đối các yêu sách quá đáng.
Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là các chiến dịch FONOP của Mỹ là một công cụ để ngăn chặn. Nhưng cách nhận thức như vậy về FONOP đã kiềm chế chính quyền Obama không thực hiện đầy đủ các hoạt động của họ theo ý của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ. Tư lệnh Thái Bình Dương đáng ra sẽ không gặp phải khó khăn trong việc giúp ông Mattis thuyết phục Nhà Trắng mạnh mẽ theo đuổi các chiến dịch thực thi tự do hàng hải hơn. Tuy nhiên, với một chính quyền dường như muốn đối phó Trung Quốc trên mọi mặt trận từ Đài Loan tới thương mại, trong khi vẫn tìm kiếm sự phục tùng từ Triều Tiên, một số ý kiến lo ngại các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông có thể sẽ bị tụt xuống mức thấp hơn trong các ưu tiên chiến lược so với thời Obama.
Điểm nóng Scarborough
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Philippine Delfin Lorenzana đã nhắc lại điều mà nước này lo sợ, đó là Trung Quốc có thể bắt đầu thực hiện các hoạt động cải tạo và xây dựng tại bãi cạn Scarborough, đây là điều mà Mỹ lo ngại trong nửa đầu năm 2016. Hải quân Mỹ có thể đã ngăn chặn thành công không cho Trung Quốc nạo vét Scarborough hồi năm ngoái, nhưng Bắc Kinh luôn có thể sẵn sàng hành động như vậy. Với sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận ngoại giao của Philippines với Trung Quốc dưới thời ông Rodrigo Duterte, không rõ liệu Trung Quốc sẽ đánh giá tương quan chi phí- lợi ích của việc bồi lấp bãi cạn này ra sao.
Ví dụ ông Duterte đã khá hòa giải trên vấn đề Biển Đông với việc tuyên bố Scarborough là một khu bảo tồn biển, nhưng phản ứng của các nhà chủ nghĩa dân tộc, cho rằng việc Trung Quốc xây dựng đảo trên bãi cạn này rất có thể sẽ diễn ra, lại có thể phá hoại quan hệ đang ấm lên giữa Manila và Bắc Kinh trong ngắn hạn. Thay vào đó, Trung Quốc có thể chọn cách duy trì nguyên trạng đã kéo dài giữa nước này với Philippines từ tháng 7/2016. Nguyên trạng này bao gồm sự tái thiết lập quan hệ với chính quyền ông Duterte và không có leo thang căng thẳng trên Biển Đông, cũng không tăng cường đáng kể các hoạt động của hải cảnh Trung Quốc ở đây.
Bãi cạn Scarborough mang giá trị chiến lược quan trọng với Trung Quốc. Bãi cạn này nằm ở vị trí khiến nó có khả năng linh hoạt đối với không quân, một căn cứ quân sự được xây dựng trên Scarborough sẽ chắn ngay ngưỡng cửa Vịnh Subic, nơi quân đội Mỹ và Philippine sẽ đặt các vũ khí quan trọng để tác chiến khi có sự cố bất ngờ xảy ra trên Biển Đông. Trung Quốc có thể mở rộng hoạt động tình báo, trinh sát, giám sát ở phía đông Biển Đông bằng cách lắp đặt hệ thống radar ở Scarborough như nước này đã thực hiện trái phép trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa.
Theo Diplomat, khả năng Trung Quốc bồi lấp bãi cạn Scarborough luôn đáng lo ngại vì điều này có thể đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh bồi lấp trên một thực thể không người sinh sống. Tuy nhiên, với việc ông Donald Trump đã chính thức nắm quyền ở Mỹ, việc khởi công nạo vét bãi cạn này sẽ biến thành cuộc thử nghiệm sống còn cho quyết tâm của Mỹ, có khả năng sẽ khuyến khích vị tổng thống vốn có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc leo thang căng thẳng một cách hết sức nguy hiểm. Điều này vẫn có thể xảy ra kể cả nếu ông Trump và ông Duterte không quan tâm đến Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippine (vì ông Duterte có xu hướng chống Mỹ, còn ông Trump lại có thái độ khinh thị với các liên minh).
Biển Đông nóng trở lại vào năm 2017?
Nhìn lại năm 2016, căng thẳng trên Biển Đông đã rơi vào hai trạng thái hoàn toàn khác nhau giữa đầu năm và cuối năm. Năm 2016 bắt đầu với các hoạt động hàng hải và hải quân trái phép của Trung Quốc ở cường độ cao trong khu vực phía nam cái gọi là “đường chín đoạn” do Bắc Kinh tự vẽ ra bất chấp luật pháp quốc tế, lo lắng về kết quả phán quyết của Tòa The Hague và lo sợ của Mỹ về việc Trung Quốc sắp sửa bồi lấp Scarborough. Nửa cuối năm lại được định hình bởi sự xoay chuyển bất ngờ của ông Duterte sang phía Trung Quốc và sự lạnh nhạt trong quan hệ Mỹ- Philippine.
Trong bối cảnh đó, áp lực quốc tế mà nhiều nhà phân tích mong đợi Trung Quốc cảm nhận được sau phán quyết của tòa án dường như không xảy ra. Trung Quốc có vẻ chưa phải chịu bất kỳ cái giá ảnh hưởng nào đến tiếng tăm xấu nào do hành vi của nước này trên Biển Đông gây ra. Cuối cùng, ngoài hoạt động thực thi tự do hàng hải của khu trục hạm Mỹ Decaturs và lời ủng hộ về tính ràng buộc của phán quyết, chính quyền Obama hầu như đã đóng lại vấn đề Biển Đông trong nửa cuối năm 2016.
Theo Diplomat, chính quyền ông Trump có thể đưa Biển Đông vào con đường từ từ nóng trở lại trong năm 2017 này. Nếu những cam kết cá nhân của ông chủ Lầu Năm Góc Mattis trước các lãnh đạo Nhật Bản theo báo cáo của Nikkei Asian Review là chính xác, hy vọng sẽ nhìn thấy các chiến dịch tuần tra thực thi tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông sau những phản ứng giận dữ của Trung Quốc.
Không rõ liệu chính quyền mới của ông Trump có suy nghĩ lại về nền tảng cơ bản trong chính sách của Mỹ đối với khu vực và bắt đầu đưa ra lập trường đối với chủ quyền của các thực thể ở Biển Đông không, nhưng chính quyền ông Trump chắc chắn sẽ cho thấy họ sẵn sàng phá vỡ quy ước. Cũng đáng để lưu tâm rằng ông Steve Bannon, một trong số ít những người được tổng thống Trump lắng nghe và đang là "quân sư" cho nhiều quyết sách đối ngoại hiện nay coi chiến tranh Mỹ- Trung là điều không thể tránh khỏi.
Diplomat nhận định, với tình hình Biển Đông trong năm nay, căng thẳng Mỹ-Trung và căng thẳng giữa Trung Quốc và các bên yêu sách khác chắc chắn sẽ quay trở lại. Bản tính không thích rủi ro và sự hợp tác toàn cầu với Trung Quốc của chính quyền Obama đã trung lập hóa hành vi của họ trong khu vực, còn chính quyền Trump lại có vẻ ưa mạo hiểm và chưa hề mở lời về hợp tác với Trung Quốc ở cấp độ toàn cầu. Các nước trong khu vực nên chuẩn bị sẵn sàng trước một năm có thể sẽ có nhiều biến động trên Biển Đông, Diplomat cảnh báo.