Ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên
Bệnh nhân Lê Thị C (57 tuổi, ngụ Quế Sơn, Quảng Nam) nhập Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng thiếu máu kéo dài, đau xương nhiều. Bệnh nhân được cắt bỏ khối u vùng lưng tại khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện Đà Nẵng, rồi xét nghiệm sinh thiết khối u.
Kết quả sinh thiết cho biết bệnh nhân mắc đa u tủy xương giai đoạn 3 nên được chuyển sang Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng. Các bác sĩ đã chỉ định điều trị hóa chất và ghép tủy cho bệnh nhân.
Sau khi tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và hội chẩn ngoại viện với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, các chuyên gia đã lên kế hoạch ghép tủy bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân cho người bệnh.
Bệnh nhân trò chuyện với bác sĩ sau ca ghép |
“Bệnh nhân được tiếp tục điều trị 4-5 đợt hóa chất rồi được chuyển đến khu ghép tủy cách ly vô trùng tuyệt đối với phòng áp lực dương. Sau đó, bệnh nhân được gạn tách tế bào gốc và truyền lại vào lại cơ thể bằng đường truyền tĩnh mạch”- TS.BS Trần Thị Thanh Hương - Khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.
Với sự chuyển giao kỹ thuật từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cùng sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các khoa, phòng trong Bệnh viện: Khoa Nội thần kinh, Cơ xương khớp, Huyết học lâm sàng và các khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dinh dưỡng, Dược, Hồi sức tích cực chống độc, Huyết học, Sinh hóa, Vi sinh, Giải phẫu bệnh, Thiết bị vật tư y tế, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng… ca ghép tủy đầu tiên ở Bệnh viện đã được thực hiện thành công.
“Sau khi ghép, người bệnh tiếp tục được theo dõi sát, chăm sóc tích cực. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, ăn uống, đi lại bình thường và có thể xuất viện” - TS.BS Trần Thị Thanh Hương chia sẻ.
Là người trực tiếp thực hiện ca ghép, TS.BS Trần Thị Thanh Hương cho biết, khó khăn đặt ra đối với bệnh nhân C. là suy giảm miễn dịch, nhiễm siêu vi, làm máu giảm liên tục không hồi phục, khiến các bác sĩ phải theo dõi điều trị sát sao thời gian dài để xử lý kịp thời.
Cơ hội cho người dân miền Trung
TS.BS Trần Thị Thanh Hương cho biết thêm: “Tế bào gốc là loại tế bào đặc biệt với khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành các loại tế bào có các chức năng khác nhau trong cơ thể. Các loại tế bào gốc có thể giúp bổ sung, thay thế, sửa chữa những tế bào già yếu hoặc bị tổn thương, với nhiều loại tế bào gốc khác nhau.
"Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh. Các tế bào gốc hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng”.
Theo TS.BS Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - ghép tế bào gốc tạo máu tự thân được chỉ định điều trị cho các bệnh bạch cầu, hội chứng tăng sinh tủy, bệnh đa u tủy, bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin, ung thư tinh hoàn. Từ năm 2019-2020, Bệnh viện Đà Nẵng đã cử các bác sĩ khoa Nội Thần kinh, Cơ xương khớp, Huyết học lâm sàng đi học tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về kỹ thuật này để phục vụ điều trị.
Bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt sau ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên tại Bệnh viện Đà Nẵng |
“Việc Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tủy bằng tế bào gốc tự thân là một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, thể hiện trình độ chuyên môn của các bác sỹ đã làm chủ được kỹ thuật chuyên sâu, mở ra hướng đi mới và hi vọng chữa khỏi bệnh cho người mắc các bệnh lý ác tính”- TS.BS Lê Đức Nhân cho biết.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, mỗi năm có khoảng 30 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị đa u tủy xương, cần ghép tế bào gốc. Trước tình trạng này, Bệnh viện Đà Nẵng đã xây dựng Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc, giúp bệnh nhân có thể tiếp cận dịch vụ điều trị tốt hơn, đồng thời, Bệnh viện và bác sĩ có thể tiếp cận nguồn cung cấp tạng hiệu quả hơn, tăng khả năng phát hiện và tiếp cận tạng phù hợp với bệnh nhân cần ghép.
Ê kíp y bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc cho Bệnh viện Đà Nẵng |
Ngoài ra, Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc còn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp mới trong lĩnh vực ghép tạng và tế bào gốc nhằm cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu các rủi ro và tác động xấu đến sức khỏe của bệnh nhân.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu