Bệnh nhân được cứu sống là Nguyễn V.L. (SN 1972, trú tại Hội An, Quảng Nam) vào Bệnh viện Đà Nẵng ngày 23/3, trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp.
Trước đó, tối ngày 23/3, bệnh nhân L. đang ngủ thì lên cơn khó thở, sau đó hôn mê, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Sau khi được hồi sức tích cực, bệnh nhân có tim lại và được chuyển cấp cứu ra bệnh viện Đà Nẵng.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng phát hiện bệnh nhân bị Brugada type 1. Với tiên liệu bệnh lý hiếm gặp nhưng cực kì nguy hiểm, có thể dẫn đến loạn nhịp thất, rung thất trên điện tâm đồ ECG, gây ngất xỉu và làm gia tăng nguy cơ đột tử do tim.
Vì thế, các bác sĩ khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Đà Nẵng đã chỉ định cấy máy phá rung tự động (ICD) cho bệnh nhân, nhằm giúp bệnh nhân dự phòng đột tử do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm gây ra.
Sau 1,5 giờ phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã cấy thành công máy ICD cho bệnh nhân. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân L. đã ổn định và được xuất viện.
Theo Bệnh viện Đà Nẵng, phẫu thuật cấy máy ICD là một trong những kỹ thuật cao, phải được thực hiện bởi những bác sĩ chuyên khoa sâu về tạo nhịp tim. Máy ICD được cấy ghép dưới xương đòn, một dây điện cực kết nối từ máy vào buồng tim phải qua đường tĩnh mạch dưới đòn. Máy ICD ghi nhận và theo dõi tất cả mọi hoạt động điện học của tim. Khi tim xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm, tín hiệu bất thường này sẽ chuyển tới máy ICD, máy sẽ phát dòng điện để cắt những cơn rối loạn nhịp, đưa trái tim trở về nhịp co bóp bình thường, ngăn ngừa đột tử.