Quốc Phong
Quốc Phong

Nhà báo

Bệnh viện dã chiến, hy vọng, sẽ được thu hẹp dần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –“Tiền tấn” đã được đổ vào xây bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Nhưng chỉ vài tháng nữa, nhiều bệnh viện dã chiến sẽ được gỡ bỏ và bớt dần, các khoản chi hy vọng sẽ được đầu tư hợp lý, hợp thời điểm hơn.

Gánh nặng xây bệnh viện dã chiến

Cả nước hiện có khoảng 560 bệnh viện (BV) phục vụ điều trị Covid-19, trong đó, có hàng trăm BV được xây dựng theo mô hình BV dã chiến. Nói là BV dã chiến vì nó hoặc có thể xây mới hoàn toàn, hoặc lấy các Trung tâm y tế và BV đang hoạt động (là chủ yếu) nâng cấp để làm BV dã chiến.

Chúng ta cũng trưng dụng cả những doanh trại quân đội, trường học… rồi cải tạo, nâng cấp trở thành BV dã chiến. Đây là một cố gắng rất lớn của hệ thống y tế thời gian qua, với tinh thần làm việc thần tốc.

Thế nhưng, có nhiều tỉnh, thành phố trong đợt dịch thứ 4 vừa rồi đã quá sức chịu đựng dù có rất nhiều BV dã chiến và BV được trưng dụng chuyển đổi chuyên phục vụ chữa trị Covid-19. Vì thế chúng ta phải đưa ra giải pháp điều trị tại nhà với F0 chưa có triệu chứng, nếu như đảm bảo điều kiện cách ly tại nhà theo đúng các tiêu chí quy định. Như thế sẽ đỡ đi gánh nặng cho BV rất nhiều.

Một Việt Nam kiên cường chống dịch

Một Việt Nam kiên cường chống dịch

Đó là một cách nhìn mới về phương pháp điều trị và đã có hiệu quả thực sự. Nếu không, sẽ thật mệt mỏi khi tiếp tục xây dựng các BV dã chiến mới. Theo thông tin mà tôi được biết, nhiều thời điểm, chỉ xây dựng khoảng chục BV dã chiến theo tiêu chuẩn, ngân sách đã phải chi tới trên ngàn tỷ. Nếu kéo dài việc xây dựng như vậy thì kiệt sức về ngân sách chứ chưa nói đến nhân lực. Mà, sau khi dịch chấm dứt, BV dã chiến sẽ trống vắng bệnh nhân, rất phí phạm.

Máy móc trang bị thì sau dịch vẫn có thể dùng được, nhưng nhiều thứ sẽ không dùng xuể, cho dù tiền chi là của nhà nước hay các nhà tài trợ. Trong số các BV dã chiến, cơ bản là do nhà nước chi, nhưng cũng có những doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền, bỏ công xây dựng nên, như SunGroup đã xây dựng BV 700 giường tại Cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng tháng 8/2020; BV dã chiến số 3 Hải Dương 1.000 giường hồi tháng 1/2021 và vừa rồi, tháng 7/2021, khi Hà Nội bùng phát dịch nghiêm trọng, SunGroup tiếp tục tài trợ 100 tỷ đồng, để cùng một doanh nghiệp khác xây dựng BV dã chiến Đại học Y Hà Nội 500 giường- BV tuyến cuối, hiện đại nhất của miền Bắc và các tỉnh phụ cận để điều trị SARS - CoV-2.

Nhiều BV dã chiến đã được xây dựng để cứu chữa người nhiễm covid-19.

Nhiều BV dã chiến đã được xây dựng để cứu chữa người nhiễm covid-19.

Số tiền đã chi nói trên dù là từ ngân sách nhà nước hoặc của tư nhân ủng hộ đó, có thể chuyển sang hợp tác với các khách sạn dùng để cách ly F1 (như trước đây) và kể cả việc điều trị F0 không triệu chứng (như gần đây ta làm, cho điều trị tại nhà nếu hội đủ điều kiện về phòng ốc riêng). Như vậy khách sạn cũng có nguồn thu mà BV dã chiến thì bớt phải xây thêm hoặc cải tạo nâng cấp không chỉ là các cơ sở y tế mà còn có cả các trường học, doanh trại quân đội .

Tôi cũng băn khoăn một chuyện nhỏ. Đó là đầu tư vài chục ngàn giường cho loại BV dã chiến thì cũng là khoản chi không nhỏ. Tại sao chúng ta không tham khảo các nước, như Thái Lan, khi họ sản xuất giường carton theo mẫu thiết kế các khối hộp cứng ghép vào thành giường bệnh với giá cực rẻ, chỉ khoảng trăm ngàn đồng/chiếc, trong khi những chiếc giường đủ tiêu chuẩn y tế có giá cả triệu đồng. Với bệnh nhân F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nếu chưa cần dùng đến các thiết bị y tế phụ giúp thì kiểu giường nói trên vẫn tốt và sẽ tiết kiệm kinh phí lớn cho ngân sách…

Hôm 27/9 mới rồi, tại buổi tọa đàm tham vấn các chuyên gia về kinh tế - xã hội liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội trong và sau đại dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý đến một khía cạnh quan trọng: Chống dịch phải có giải pháp và phải biết hết sức tiết kiệm chứ không thể làm một cách thiếu tính toán gây tốn kém nguồn lực xã hội.

Quay trở lại câu chuyện chống dịch không thể bằng mọi giá mà rất cần tiết kiệm khi ra quyết định. Chúng ta cần phải biết chắt chiu từng đồng ngân sách trong chi tiêu vật tư thiết bị y tế cho phòng chống dịch.

Thu hẹp BV dã chiến và những bài học lâu dài

Trong 24 giờ qua (4/10-5/10), cả nước ghi nhận 4.363 ca nhiễm mới, giảm 1.022 ca so với hôm trước đó . TP.HCM giảm 999 ca và lần đầu tiên trong 2 tháng qua có số ca mới dưới 2.000. Đồng thời,trong ngày, có thêm 25.573 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh (nhiều gấp 6 lần so với số ca nhiễm).

Nhìn một cách tổng thể thì chúng ta được đón tin vui: Một số địa phương đã dỡ bỏ BV dã chiến vì không còn bệnh nhân. Gần đây nhất là Nghệ An, gỡ bỏ từ 25/9 do …“ế”(!) bệnh nhân. ”Ế” mà ai cũng rất vui!

Tại TP Hồ Chí Minh, tình hình đã sáng sủa hơn. Về kế hoạch thu hẹp BV dã chiến để trả lại công năng, theo vị Chánh Văn phòng Sở Y tế mới đây có cho biết trên một tờ báo, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ có kế hoạch thu hẹp các BV dã chiến theo lộ trình phù hợp. Trước tiên, BV ở vùng xanh sẽ trả lại công năng để điều trị bệnh nhân không phải Covid-19…

Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 4.363 ca nhiễm mới, giảm 1.022 ca so với hôm trước đó . TP.HCM giảm 999 ca và lần đầu tiên trong 2 tháng qua có số ca mới dưới 2.000. Đồng thời,trong ngày, có thêm 25.573 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh (nhiều gấp 6 lần so với số ca nhiễm).

Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 4.363 ca nhiễm mới, giảm 1.022 ca so với hôm trước đó . TP.HCM giảm 999 ca và lần đầu tiên trong 2 tháng qua có số ca mới dưới 2.000. Đồng thời,trong ngày, có thêm 25.573 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh (nhiều gấp 6 lần so với số ca nhiễm).

Ngành y tế sẽ cơ cấu lại các BV dã chiến theo mô hình BV đa tầng và giữ lại các BV có gắn kết với Trung tâm hồi sức, gồm BV dã chiến số 13, 14 và 16. Theo lịch trình, các BV dã chiến thu dung tại khu vực quận, huyện, TP Hồ Chí Minh sẽ dần thu hẹp từ nay đến cuối năm 2021 để trả lại trường học cho các cơ sở giáo dục…

Tôi ước mong rồi đây, những BV dã chiến khác nữa trong cả nước cũng sẽ dần thu hẹp như thế và đó là lúc kết thúc tốt đẹp trận chiến chống đại dịch. Chúng ta chủ động xây dựng BV dã chiến nhưng với tâm thế luôn mong sao thực tế này không diễn ra để phải dùng hết công suất, dù biết là tốn kém thì vẫn buộc phải làm .

Trong gần 2 năm qua, có lẽ rồi chúng ta cũng phải suy ngẫm xung quanh câu chuyện xây dựng BV dã chiến. Chúng ta có thể thay vì mở nhiều BV dã chiến bằng những giải pháp khác tích cực hơn, kinh tế hơn, thậm chí hỗ trợ giữa chống dịch với duy trì phát triển kinh tế (chí ít thì cũng có thể tạo điều kiện cho ngành kinh tế khác cầm cự).

Chúng ta chia sẻ và hiểu rằng, dịch SARS-CoV-2 lần đầu tiên xảy ra với loài người. Vì thế, không một quốc gia nào có kinh nghiệm ứng phó chuẩn nhất. Khi mà cả thế giới lao đao vì dịch bùng phát dữ dội kèm theo người tử vong kinh hoàng, thì chính chúng ta lại ít chịu ảnh hưởng nhất bởi cách làm khi đó khá tốt. Thế nhưng khi biến chủng Delta phát lộ, chúng ta bị choáng và không kịp thích nghi đối phó với nó thông minh nhất.

Việc đưa các F1 đi cách ly tập trung, đưa các F0 vào nằm BV khi họ còn rất nhẹ, thậm chí chưa có triệu chứng, đã khiến các Trung tâm cách ly F1 và BV điều trị F0 chưa biết cách phân ra thành tháp 3 tầng nặng, nhẹ như hiện nay, nên đã xảy ra hiện tượng lây nhiễm chéo đến độ nguy cơ cao và không còn chịu nổi. Đặc biệt phải kể đến TP.Hồ Chí Mình, Bình Dương, Đồng Nai…

Giá như chúng ta có cách phân cấp điều trị theo mô hình tháp 3 - 4 tầng rất khoa học như gần đây sẽ đỡ lây nhiễm biết bao. Đồng thời, nó sẽ đỡ đi nhiều khoản ngân sách đã chi trong xây dụng BV dã chiến.

Sống trong “thích nghi an toàn“- “bình thường mới”

Mới đây, tôi nhận được một thông tin khá thú vị. Đó là tại TP Hồ Chí Minh đang chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn tại khu vực gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với tỉ lệ lấp đầy lên đến 78%. Tất cả các khách sạn 5 sao trong khu vực này đều đã được sử dụng thành các cơ sở cách ly y tế. “Có thể thấy nhu cầu về khách sạn cách ly đang có xu hướng tăng lên, với nhóm đối tượng khách hàng có thể đến từ các nhân viên thuộc phi hành đoàn, các nhà ngoại giao quốc tế, các chuyên gia nước ngoài - những người thường xuyên nhập cảnh ra vào Việt Nam” - ông Troy Griffiths - Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam nhận xét .

Từ 1/10, theo chủ trương của Chính phủ, nhiều địa phương sẽ bước vào một cuộc sống chấp nhận “sống chung” với dịch trong trạng thái “bình thường mới”. Tôi nghĩ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thực tế của mỗi địa phương, chúng ta áp dụng những biện pháp có thể khác nhau. Đó là chủ trương đúng sau một thời gian dài chống dịch chưa thật sự khoa học, thiếu căn cơ về chi phí cơ sở vật chất.

Chúng ta, khi thì lo lắng thái quá nên giãn cách kéo dài quá mức, đến chỗ chủ quan cũng lại hơi quá và rồi co cụm lại để thủ thế cho thật an toàn, cũng đều không nên. Vì thế mà trong gần 2 năm qua, sản xuất để có thể phát triển kinh tế xã hội lại bị đình đốn, người dân cũng quá kiệt sức vì bị cách ly dài ngày.

Những tín hiệu vui dần lên đã lộ rõ trên khắp cả nước, đặc biệt là tại hai đầu tầu kinh tế của nước nhà. Cho đến trước khi phát hiện ổ dịch Bệnh viện Việt – Đức, Thủ đô Hà Nội chỉ có vài ca F0 mỗi ngày. Thậm chí từng có 48 giờ không một ca F0 nào như ngày 25 và 26/9.

Hy vọng một ngày không xa các BV dã chiến sẽ được chuyển sang dùng vào việc khác.

Hy vọng một ngày không xa các BV dã chiến sẽ được chuyển sang dùng vào việc khác.

TP HCM từ chỗ có liên tục có 5-7 nghìn ca F0/ngày và tử vong đến trên 300 người/ ngày thì nay đã xuống thấp hơn nhiều và chỉ còn trên 2 nghìn ca như ngày 5/10; số ca tử vong cũng đã giảm mạnh, chỉ còn trên dưới trăm người/ngày. Tất cả đã cho thấy các biện pháp chúng ta đưa ra để chống dịch là đúng hướng và được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao.

Số ca nhiễm mới tuy vẫn còn cao tại các tỉnh phía Nam. Thế nhưng, so với số ca khỏi bệnh, ra viện thì đã có độ chênh tích cực, như ngày 5/10, số người xuất viện đã nhiều gấp 6 lần số ca nhiễm mới. Điều đó đồng nghĩa trong một ngày gần đây, nhiều BV dã chiến sẽ được gỡ bỏ và bớt dần. Các BV còn lại hiện đang dồn sức cho chống dịch cũng sẽ được trở lại hoạt động đúng với công năng vốn có.

Một cuộc sống bình thường mới, “thích nghi an toàn” đang dần diễn ra.Tuy nhiên, toàn dân vẫn phải tuân thủ cực kỳ nghiêm túc khi thực hiện” 5 K+ vaccine”, để tiến tới một ngày gần nhất, 75% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ vaccine; và xa hơn nữa, như Chính phủ vừa quyết, sẽ phủ vaccine cho cả trẻ em dưới 18 tuổi để môi trường sống được an toàn hơn.

Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể gỡ bỏ các BV dã chiến một cách chắc chắn nhất trên cơ sở đảm bảo đủ an toàn cho xã hội, khi dịch bệnh không bao giờ biến mất trên trái đất này.