3 giả thiết về bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2
Chiều nay (14/4), trao đổi với PV VietTimes về vấn đề bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 sau 3 lần âm tính với virus trước đó, ThS. BS. Vũ Minh Điền - BS điều trị Khoa Viêm Gan, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - khẳng định: Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ đều có báo cáo về những trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện, nhưng sau đó dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2.
Hiện, các nhà khoa học đang nghiên cứu và giải thích thêm, đồng thời, đưa ra 3 giả thiết về vấn đề này.
Giả thiết thứ nhất là khi bệnh nhân xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Do kỹ thuật xét nghiệm là kỹ thuật được sử dụng để tìm đoạn gen di truyền của virus nên lần xét nghiệm sau có khả virus vẫn nằm trong tế bào bạch cầu. Vì thế, bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi tiến hành xét nghiệm lại.
ThS. BS. Vũ Minh Điền chia sẻ về bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 vào chiều nay (14/4). Ảnh: Minh Thúy
|
Cùng với đó, không loại trừ trường hợp virus SARS-CoV-2 dương tính trở lại thật sự và nhân lên trong cơ thể bệnh nhân. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là 1 loại virus mới, các nhà khoa học có nhiều điều chưa biết hết về nó.
Không chỉ vậy, đến thời điểm hiện các thuốc điều trị bệnh mới chủ yếu điều trị các triệu chứng lâm sàng, đang trong quá trình thử nghiệm theo dõi hiệu quả, chưa có loại thuốc nào được đánh giá có hiệu lực thật sự tiêu diệt virus SARS-CoV-2.
Chính vì thế việc tiêu diệt virus SARS-CoV-2 hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh có thể loại bỏ được virus hay không.
Thực tế, các loại thuốc được sử dụng trong phác đồ điều trị chỉ hỗ trợ thêm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể bệnh nhân, giúp bệnh nhân tăng khả năng chống chọi với bệnh tật.
Virus SARS-CoV-2. Ảnh: Getty Images
|
Ngoài ra, do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể quay trở lại sau 1 thời gian nhất định.
Hiện nay có nhiều bài báo chỉ ra rằng có hiện tượng biến chủng của virus, không chỉ 3, mà đã có tới 8 biến chủng so với chủng ban đầu được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sự biến chủng này có thể dẫn tới nguy cơ virus né tránh hệ thống miễn dịch của cơ thể bệnh nhân và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.
Không thể khẳng định bệnh nhân tái nhiễm với virus SARS-CoV-2
Theo ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 -về mặt cơ chế, cho đến nay virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất mới lạ, không thể nói trước được điều gì. Ở Trung Quốc có một số trường hợp cho kết quả âm tính nhưng khi xét nghiệm lại có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, chưa ghi nhận việc bùng phát dịch bệnh liên quan đến những ca dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2, nên không thể khẳng định bệnh nhân tái nhiễm với virus SARS-CoV-2.
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
|
Cùng quan điểm với ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp, BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh - cho biết: "Bệnh nhân 22 mắc COVID-19 không gọi là tái nhiễm, xét nghiệm dương tính sau khi đã có kết quả xét nghiệm âm tính (khỏi bệnh) thì có thể được gọi là người lành mang trùng. Việc người lành mang trùng này có thể lây virus cho người khác hay không thì cần phải có một nghiên cứu, coi nồng độ trong dịch phết họng của họ là bao nhiêu. Khi mà tìm thấy virus trong dịch phết họng thì có khả năng lây".
Theo đó, người mắc COVID-19 khi hết bệnh đa số không còn khả năng phát tán virus, một số ít người (như bệnh nhân 22) chuyển sang người lành mang trùng.
Người lành mang trùng thường không có triệu chứng hoặc đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn chứa virus trong mũi, họng.
Bác sĩ Khanh cho biết việc cần thiết lúc này là tiếp tục phòng ngừa một cách chặt chẽ hơn. "Phải quyết liệt hơn khi xuất hiện hiện tượng này, sau khi bệnh nhân được công bố khỏi bệnh thì cần phải cách ly thêm 14 ngày và khuyên người bệnh hạn chế tiếp xúc với người khác. Vấn đề này nước ta đã và đang làm. Trong giai đoạn hiện nay, người dân cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa." – BS. Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.