"Không loại trừ khả năng sẽ có một cuộc đảo chính mới xảy ra ở Ukraine”, ông Arbuzov đã nói như vậy sau cuộc họp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của các nước CIS, Trung và Đông Âu mà ông này hiện đang giữ vai trò lãnh đạo.
Theo cựu Thủ tướng Ukraine, "các thủ lĩnh của phong trào Maidan – Quảng trường Độc lập nằm ở trung tâm thủ đô Kiev và là biểu tượng của làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych hồi năm ngoái ở Ukraine, cùng với giới tướng lĩnh chiến trường đang ngày càng công khai thể hiện sự bất mãn”.
Ông Arbuzov cho hay, tình hình hiện nay ở đất nước Ukraine bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi và sự kìm nén. "Mọi người sợ bày tỏ ý kiến của mình”, cựu Thủ tướng Ukraine cho biết.
"Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở tình trạng đàn áp, ngược đãi người đối lập. Mọi người không muốn từ bỏ những giá trị sai lầm, họ muốn giữ niềm tin vào sự đúng đắn của lựa chọn mà họ đã làm ở Maidan. Tuy nhiên, trung tâm quyền lực lại đang làm người dân thất vọng. Cảm giác đó đang bao trùm lên khắp những người dân Ukraine”, ông Arbuzov cho biết.
Ông Sergey Arbuzov từng là Thủ tướng Ukraine trong thời gian ngắn ngủi từ ngày 28/1 đến 27/2/2014 sau khi ông Mykola Azarov từ chức. Trước đó, ông Arbuzov từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine.
Ngoài dự đoán gây ớn lạnh về một cuộc đảo chính mới, người ta cũng đang nói đến một sự sụp đổ của đất nước Ukraine, ít nhất là về mặt quân sự.
Hồi đầu tuần này, lực lượng ly khai miền đông đã đánh bại quân đội trung thành với Kiev và chiếm lại được thành phố chiến lược Debaltseve. Đây được xem là một trận thua tan nát, liểng xiểng của quân đội Ukraine và nhiều người tin thất bại đó là dấu hiệu Ukraine đang trên bờ vực của sự sụp đổ, ít nhất là về mặt quân sự.
Phản ứng trước thông tin trên, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm qua (21/2) tuyên bố, nước ông không phải đang trên bờ vực của sự sụp đổ đồng thời cáo buộc lực lượng ly khai tiếp tục tấn công quân Kiev bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mới nhất.
“Chúng tôi còn lâu mới sụp đổ”, ông Yatsenyuk cho hãng tin Fox News biết. Ông này cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi không có một lệnh ngừng bắn ở đây... bởi một lệnh ngừng bắn phải có nghĩa rằng không ai nổ súng. Lệnh ngừng bắn phải có nghĩa rằng lực lượng khủng bố do Nga hậu thuẫn không có bất kỳ hành động bắn phá nào, rằng họ không giết hại binh lính Ukraine và những người dân vô tội”. Kiev thường dùng từ khủng bố để nói về lực lượng ly khai miền đông Ukraine đồng thời cáo buộc Nga đang hậu thuẫn cho lực lượng này.
Thủ tướng Ukraine nhắc lại lời khẩn cầu trước đây về việc các đồng minh phương Tây hãy giúp đỡ Kiev bằng cách cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine. “Chúng tôi phải bảo vệ mình. Nga liên tục cung cấp xe tăng, tên lửa đất đối không và nhiều vũ khí khác. Và một lần nữa tất cả mọi người biết điều đó. Chúng tôi vẫn đang phải sử dụng các loại vũ khí cũ kỹ từ thời Xô-viết”, ông Yatsenyuk kêu gọi đầy khẩn thiết.
Đây là lời cầu cứu mới nhất trong rất nhiều lời cầu cứu mà giới chức Kiev gửi đến phương Tây. Tuy nhiên, cho đến nay, những lời cầu cứu như vậy vẫn chưa được đáp ứng. Gần đây, giới chức Mỹ bắt đầu nói đến khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine theo yêu cầu của Kiev nhưng lựa chọn này không được các đồng minh Châu Âu của Mỹ ủng hộ.
Anh, Tây Ban Nha lên tiếng phản đối cung cấp vũ khí cho Kiev
Sau Đức, đến lượt Anh và Tây Ban Nha lên tiếng nhấn mạnh rằng, giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ có thể đạt được thông qua con đường đối thoại chứ không phải thông qua việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.
"Chúng tôi không tin rằng, vào thời điểm này sẽ là có ích khi cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng vũ trang Ukraine”, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã nói như vậy trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia Margallo ở thủ đô Madrid hôm 19/2.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ quyền cân nhắc khả năng đó. Chúng tôi muốn làm rõ rằng, chúng ta không thể cho phép lực lượng vũ trang Ukraine sụp đổ mặc dù tôi nghĩ còn một con đường dài phía trước trước khi chúng ta cân nhắc đến lựa chọn cung cấp vũ khí”, ông Hammond nói thêm.
"Vì thế, trong lúc này, Anh sẽ không thay đổi lập trường trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine”, Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh.
Theo ông Hammond, vấn đề cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng vũ trang Ukraine hiện giờ là “vấn đề do cá nhân các chính phủ quyết định”, nói rằng đó “không phải là một vấn đề của Liên minh Châu Âu (EU) hay NATO ".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Margallo lại nói thêm rằng, ông muốn “Liên minh Châu Âu có quan điểm chung” trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Kiev.
Như vậy, rất nhiều nước hàng đầu Châu Âu đã lên tiếng phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine. Điều này cho thấy, Kiev sẽ phải một lần nữa thất vọng vì lời cầu cứu của họ không được đáp ứng.
Theo: VnMedia