Báo động về hệ thống giáo dục với cách mạng công nghiệp 4.0

VieTimes -- Hồi chuông báo động đã được gióng lên về việc cần có ngay các giải pháp để đổi mới có hiệu quả nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học, nếu không muốn ngày càng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Lao Động
Ảnh minh họa. Nguồn: Lao Động

Đây là một trong những cảnh báo về hệ thống giáo dục trong một tài liệu về Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Ban Kinh tế Trung ương Đảng do Trưởng ban Nguyễn Văn Bình chủ biên.

Tài liệu này nhận định, phần lớn nội dung và chương trình giáo dục các cấp hiện nay đều được biên soạn hoặc chịu ảnh hưởng bởi nội dung, chương trình giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, đặc biệt là nền giáo dục Xô Viết.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các chương trình đó đang bộ lộ rất nhiều bất cập, hạn chế, không bắt kịp được nhu cầu phát triển. Nội dung kiến thức đào tạo nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành; chưa tạo được liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế; và chương trình nặng nề với thời lượng lớn làm sinh viên học hời hợt hay thụ động.

Hệ quả là hệ thống giáo dục Việt Nam tụt hậu và tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Chẳng hạn, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Một khảo sát tại các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh về sự hài lòng của họ với chất lượng của sinh viên cho biết, chỉ có 5% tổng số sinh viên được đánh giá là ở mức tốt, 15% ở  mức khá, 30% ở mức độ trung bình và tới 40% ở mức không đạt.

Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sỹ và hơn 100.000 thạc sỹ. Tuy nhiên, công trình khoa học công bố trên các tập san quốc tế trong giai đoạn 1996-2011 chỉ bằng 1/5 Thái Lan, 1/6 Malaysia và 1/10 Singapore, trong khi dân số Việt Nam gấp 17 lần Singapore, gấp 3 lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái Lan.

Theo báo cáo Tính cạnh tranh năng lực toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện với 148 quốc gia, hệ thống giáo dục Việt Nam được xếp 67. Tuy nhiên, ở mục giáo dục đại học và đào tạo, Việt Nam xếp thứ 95, hay thứ 7 trong Asean, sau Singapore (2), Malaysia (49), Brunei (55), Philippines (67).

Tài liệu của Ban Kinh tế Trung ương nhận xét, không như nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam có tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng,  làm các điểm chuẩn của các trường đào tạo chuyên ngành này cao hơn hẳn so với các trường công nghệ và kỹ thuật, gồm cả Bách Khoa. Trong khi đó, ngay cả số lượng các trường kỹ thuật, công nghệ cũng không có nhiều.

Điều này làm thiếu hụt nhân lực trầm trọng cho các ngành công nghệ thông tin, số hóa hay tự động hóa.

Báo cáo của VietnamWorks cho thấy, trong 3 năm gần đây số lượng công việc của ngành công nghệ thông tin tăng trung bình 47%/năm trong khi số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%.

Ban Kinh tế Trung ương tỏ ra lo ngại với chất lượng tiếng Anh. Kết quả điểm thi tiếng Anh thời gian qua của học sinh Việt Nam “thực sự đáng lo ngại”. Kỳ thi năm 2016, điểm bài thi môn ngoại ngữ đặc biệt thấp, tập trung chủ yếu trong khoảng 2-4 điểm, tỷ lệ thí sinh đạt điểm 2,5 lên tới gần 58%.

Trong khi đó, Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra rất nhiều tiến bộ trong hệ thống giáo dục mà các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Austrailia đã áp dụng để chuẩn bị cho người dân của họ thích nghi với cách mạng 4.0