Hiện nguồn thu của báo điện tử hoàn toàn là từ quảng cáo, tuy nhiên nhìn chung đang sụt giảm từng năm. 195 cơ quan báo chí điện tử và 171 cơ quan báo, đài, tạp chí thực hiện loại hình điện tử, 178 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoạt động ở Việt Nam hiện chỉ chiếm vỏn vẹn 7% thị phần quảng cáo trực tuyến, còn lại phần lớn rơi vào tay Google và Facebook (khoảng 66%).
Để thúc đẩy kinh tế báo chí, bên cạnh việc cần thay đổi cấu trúc hoạt động kinh tế của các cơ quan báo, nhiều ý kiến đề xuất nên có sự liên kết, liên minh và hợp tác xây dựng các mạng quảng cáo mới và không sử dụng các công cụ quản lý dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook. Muốn vậy, các cơ quan báo cần sự đầu tư không nhỏ.
Vấn đề đáng ngại chính là tình trạng vi phạm bản quyền về nội dung. Và thực tế, người sử dụng Facebook đang chia sẻ nội dung của các báo điện tử trên mạng xã hội này. Có được nhiều truy cập, đương nhiên Facebook bán được rất nhiều quảng cáo mà dường như không phải đầu tư gì cho thông tin.
Đối với các nước châu Âu, nhiều hãng truyền thông đã gửi khiếu nại liên quan đến việc yêu cầu được bảo vệ bản quyền cho những sản phẩm của họ để đòi Google và Facebook phải trả tiền bản quyền cho việc sử dụng những nội dung tin tức mà các nhà mạng này thu được lợi nhuận lớn từ đó.. Lời kêu gọi này được đưa ra khi Liên minh Châu Âu (EU) có cuộc thảo luận về chỉ thị yêu cầu Facebook, Google, Twitter và nhiều ông lớn công nghệ khác phải trả tiền bản quyền cho hàng triệu bài báo mà họ sử dụng hoặc liên kết đến. Tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề mà các báo điện tử sớm muộn cũng phải đấu tranh vì quyền lợi của mình. Chắc chắn, không thể để cho các mạng xã hội như Facebook, Google làm giàu trên những nỗ lực của ngành báo chí.